Thanh tra Chính phủ “soi” quyết định của UBND TP. Hà Nội
Đó là một trong những nội dung tại kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, quy định về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp, Bộ Xây dựng có Thông tư 36/2009/TT-BXD hướng dẫn cụ thể, nhưng UBND TP Hà Nội lại có Quyết định số 1501/UBND-XD quy định đối tượng được mua thành phần gồm các hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại các quận, phường.
Quy định để mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu tại các quận, phường là chưa hợp lý |
Quy định này chưa hợp lý vì điều kiện để nhập hộ khẩu Hà Nội phải có nhà ở, phần lớn các đối tượng có nhu cầu mua nhà chỉ có hộ khẩu tạm trú, đồng thời trên địa bàn TP Hà Nội còn có các đối tượng mua nhà thuộc các xã, huyện.
Trong kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng có ý kiến với UBND TP. Hà Nội về nội dung Quyết định số 1501 nêu trên.
Cũng trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng trình Quốc hội sửa đổi khoản a và b, Mục 1, Điều 47 Luật Nhà ở 2005 về số tầng nhà ở xã hội “tại đô thị loại đặc biệt phải là nhà 5 hoặc 6 tầng… tại các đô thị loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 5 phải là nhà không quá 6 tầng”.
Theo thống kê, hiện có 42 dự án nhà thu nhập thấp đã được khởi công, xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 907.000 m2 đáp ứng cho khoảng 73.200 người. Tuy nhiên, hiện nay mới có 1.714 căn hộ hoàn thành đưa vào sử dụng, với diện tích sàn là 95.000 m2 (2 dự án, tại Ngô Thì Nhậm - Q. Hà Đông, Hà Nội và Nguyễn Tri Phương - Đà Nẵng).
Các dự án trên đều được xây dựng cao trên 6 tầng, trái với Luật Nhà ở và chỉ đạt 1% so với kế hoạch và mới có 9 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký kết hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi với tổng số tiền là 1.042 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay thấp một phần do các chủ đầu tư thực hiện các dự án không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi hồ sơ vay vốn của ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp.
Tương tự, chương trình về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cũng không thành công. Hiện có 27 dự án đã khởi công xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 139.800 lao động, có diện tích sàn khoảng 866.600 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 3.015 tỷ đồng, đạt 54% so với dự kiến. Tuy nhiên, mới có 9 dự án (1 dự án tại Hà Nội và 8 dự án ở TP. HCM) với tổng mức đầu tư 1.625 tỷ đồng được đưa vào sử dụng, đáp ứng cho khoảng 27.800 người lao động và mới có 1 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký kết hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi, với tổng vốn vay là 89,5 tỷ đồng (dự án tại khu công nghiệp ở tỉnh Long An).
Cũng trong kết luận trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc phát triển nhà chung cư nói chung đạt tỷ lệ thấp (chiếm có 3,72%) và tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội là 16,64%, TP. HCM là 6,13%, Hải Phòng là 5,8%, Đà Nẵng là 2,1%); tỷ lệ nhà đơn lẻ, tự phát còn cao.
Cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát sửa đổi bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trong cả nước xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, chỉ tiêu phát triển và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; tiêu chí phân loại đối với các loại nhà ở khác; điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về nhà ở, tổng hợp và công bố thông tin về nhà ở.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán