Nhộn nhịp đầu tư khách sạn tại Đà Nẵng
Nếu như hai năm trước Đà Nẵng chỉ có 2 khách sạn 5 sao là Furama và Hoàng Anh Gia Lai thì nay thành phố này đã có thêm 6 khách sạn mới.
Một dự án lớn đang xây dựng tại Đà Nẵng - Ảnh: Đào Loan |
Với lợi thế là cửa ngõ của miền Trung về đường bộ, đường biển và đường hàng không, có nhiều bãi biển đẹp, điểm tham quan phong phú, Đà Nẵng trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước cùng với hàng loạt nhà đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tại thành phố này, việc xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang rất nhộn nhịp, nóng dần lên.
Số khách sạn tăng nhanh
Nếu như hai năm trước Đà Nẵng chỉ có 2 khách sạn 5 sao là Furama và Hoàng Anh Gia Lai thì nay thành phố này đã có thêm 6 khách sạn mới. Mảng 3 sao cũng tăng thêm 10 khách sạn; mảng 4 sao tăng từ hai lên thành bốn khách sạn. Nếu tính phân khúc 3 - 5 sao thì Đà Nẵng có đến 40 khách sạn.
Trong khi nhiều dự án xây khách sạn ở một số thành phố du lịch bị đóng băng do khó khăn về tài chính thì nhà đầu tư ở Đà Nẵng vẫn tiếp tục xây dựng và mở cửa khách sạn mới đón khách. Điều này có thể thấy được thông qua việc nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng dọc tuyến tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam đã đi vào hoạt động trong thời gian qua.
Các dự án hầu như mọc san sát dọc tuyến đường dài khoảng 10 km này, đặc biệt là phần thuộc về phía Đà Nẵng. Bên cạnh các dự án lớn như Hyatt Regency, Vinpearl, Life Style, Fusion Maia... đã đi vào hoạt động thì công nhân tại các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển khác vẫn đang cấp tập chuẩn bị giai đoạn cuối như trồng cỏ, trang trí....
Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cả thành phố hiện có 58 dự án khách sạn từ 4-5 sao đã và đang triển khai, với tổng vốn đăng ký cho các dự án này lên đến 3,4 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng xây hàng loạt khách sạn nhỏ trên một số tuyến đường ở trung tâm thành phố. Hiện tốc độ phát triển khách sạn tại Đà Nẵng được xem là nhanh nhất tại các thành phố du lịch hiện nay.
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Một số nhà kinh doanh du lịch cho rằng đầu tư khách sạn tại Đà Nẵng đang tăng trưởng nóng nhưng nếu không định hướng sớm thì tương lai có thể dẫn đến khủng hoảng thừa phòng nhưng lại thiếu những loại phòng thực sự cần thiết cho phần đông khách du lịch.
Tại Đà Nẵng, tỷ lệ khách trong nước vẫn chiếm đa số và khách trong nước thường chọn ở những resort ven biển cỡ 3 sao, phù hợp với túi tiền của họ. Thực tế ở Đà Nẵng, phần lớn những khu đất ven biển lại dành cho những cơ sở lưu trú hạng sang nhưng các công ty du lịch cho rằng thị phần này lại chưa thực sự phát triển rõ nét trong bức tranh chung của thị trường du lịch Đà Nẵng.
Khách quốc tế và khách trong nước - những người có đủ tiền để chi vài triệu đồng/đêm ở khách sạn cao cấp vẫn còn thuộc nhóm ít và được dự báo chưa thể tăng trưởng đột biến trong vài năm nữa. Đó là lý do tại sao ngay cả mùa cao điểm thì những khu nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao cũng khó có thể tìm đủ khách để lấp đầy số phòng họ có.
Một trong những phân khúc mà Đà Nẵng cần là phát triển thêm các dự án khách sạn ven biển hợp khả năng chi trả của số đông khách du lịch, theo ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Vitours Travel. "Hiện nay, Đà Nẵng thiếu các resort biển cỡ 3 sao hoặc cao hơn một chút, có giá từ 40 đến 50 đô la Mỹ/đêm phòng. Khách yêu cầu rất nhiều nhưng công ty du lịch không thể tìm phòng được", ông Dũng nói.
Một vấn đề mà Đà Nẵng đăng phải đối mặt như một số điểm đến du lịch khác, là tình trạng nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ không có định hướng rõ về thị trường, chỉ thấy khách du lịch đến thành phố này nhiều trong thời gian qua là hồ hởi bỏ tiền xây khách sạn, dẫn đến việc hàng loạt khách sạn quy mô nhỏ, chỉ có vài chục phòng đang mọc lên rất nhiều. Chẳng hạn, chỉ tính riêng đường Phạm Văn Đồng đã có hơn 10 khách sạn loại nhỏ. Tại một số tuyến đường khác, các khách sạn nhỏ cũng đã và đang mọc lên nhưng thị trường lại có thị phần giới hạn cho các dự án quy mô nhỏ này.
Một doanh nghiệp tại Đà Nẵng (không muốn nêu tên) nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng bây giờ là thời điểm rất tốt nếu muốn mua khách sạn loại nhỏ ở nội thành. Nhiều nhà đầu tư đang kêu bán những cơ sở lưu trú có quy mô cỡ vài chục phòng vì xây ra nhưng khách chỉ đông vào những sự kiện du lịch như cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hay vào vài dịp cao điểm du lịch, còn lại thì vắng khách.
"Vì không có nghiên cứu thị trường đầy đủ nên kinh doanh không có lời, giờ mà muốn mua thì tôi có thể dẫn đi ngay đến vài nơi", doanh nghiệp này nói.
Theo Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2012 đến nay, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Bình Thuận là 5 địa phương tăng trưởng du lịch tốt nhất. Trong đó, doanh thu du lịch của thành phố Đà Nẵng tăng trưởng rất cao, trở thành địa phương có doanh thu du lịch cao thứ ba của cả nước, chỉ đứng sau hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. |
Theo TBKTSG