Nhà thu nhập thấp: "Làm giá"?
“Với mức giá khoảng 14 triệu đồng /m2 như một số chủ đầu tư đưa ra thì phải xem lại liệu có tình trạng doanh nghiệp đẩy giá hay không?".
Trước mức giá đề xuất của các chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp, không ít người nghi ngại cùng chính sách ưu đãi như nhau, giá vật liệu, chi phí nhân công cũng khá tương đồng, tại sao giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội lại cao gần gấp đôi, thậm chí tiến sát giá nhà ở thương mại tại TP. Hồ Chí Minh.
Nếu tính cả thuế VAT và 2% phí dịch vụ theo quy định thì nhà thu nhập thấp khu Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư có giá bán lên tới 14 triệu đồng/m2, cao ngang với nhà ở thương mại
Chênh lệch khó hiểu
Trong các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp đang nhận hồ sơ bán nhà ở Hà Nội, chỉ có dự án Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) do Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera làm chủ đầu tư đã công bố giá bán là 11, 6 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT).
Mới đây, Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư cũng công bố giá bán dự kiến của 864 căn hộ thuộc các tòa nhà 19T3, 19T5 và 19T6 tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông) là 10, 6 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT).
Dự án tại lô NO10A và NO12 - 3 Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 3 làm chủ đầu tư hiện chưa công bố giá bán. Nhiều thông tin cho rằng, giá bán tại các dự án này đang được điều chỉnh tăng lên khoảng 14 triệu đồng /m2.
Mặc dù mức giá trên mới chỉ nằm trong dự kiến chờ xét duyệt của UBND thành phố Hà Nội, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định đây là mức giá khá cao, thậm chí cao gấp 2 lần nhà dành cho người có thu nhập thấp tại một số địa phương khác như TP.Hồ Chí Minh (từ 5,8 đến 8 triệu đồng/m2), Đà Nẵng (5,5 triệu đồng/m2). Thậm chí tiến sát giá nhà ở thương mại tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước TP. Hồ Chí Minh với mức giá chỉ khoảng 12-14 triệu đồng/m2.
Một cán bộ của Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) cho biết: Nguyên tắc tính toán giá nhà thu nhập thấp do Bộ quy định, còn giá cụ thể của từng dự án do chủ đầu tư và từng địa phương quyết định. Việc chênh lệnh giá giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể do chi phí đầu vào của hai địa phương khác nhau.
"TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, kinh tế thị trường phát triển mạnh hơn Hà Nội. Kéo theo nó là cơ chế thị trường ngày càng được áp dụng thông thoáng hơn, cơ chế về giá cả, cung cầu, cạnh tranh cũng tốt hơn các địa phương khác.
Và thị trường bất động sản cũng vậy, thị trường TP. Hồ Chí Minh phát triển hơn Hà Nội nhiều, quan hệ cung cầu ngang bằng hơn, rõ ràng giá nhà đất trong đó cũng "mềm" hơn Hà Nội, kể cả nhà thu nhập thấp. Giá nhà đất không chỉ liên quan đến cung cầu mà còn liên quan đến quan hệ cạnh tranh.
Cạnh tranh ở TP. Hồ Chí Minh rõ ràng nhộn nhịp, sôi động hơn Hà Nội do đó mức giá đưa ra rẻ hơn, cùng chất lượng, cùng cơ chế, doanh nghiệp nào bán rẻ doanh nghiệp đó thắng”.
(TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam)
Sẽ kiểm tra nếu “đẩy” giá quá cao
Ông Trần Đức Mạnh - Phó Giám đốc Phân viện Kinh tế Xây dựng miền Nam cho biết: "Nhà thu nhập thấp được hưởng những chính sách ưu đãi như nhau, như được miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng tỷ lệ và mật độ xây dựng và được vay vốn ưu đãi của Chính phủ.
Tạm thời xét đến trường hợp chi phí xây dựng, nguyên vật liệu như nhau, việc chênh lệch giá nhà thu nhập thấp giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể do nguyên nhân đặc điểm khác nhau của hai thị trường”.
“Tuy nhiên, với mức giá khoảng 14 triệu đồng /m2 như một số chủ đầu tư đưa ra thì phải xem lại liệu có tình trạng doanh nghiệp đẩy giá hay không?", ông Mạnh đề xuất.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Trong khi giá vật liệu xây dựng, nhất là xi măng vẫn ổn định, mức giá nhà thu nhập thấp hiện khoảng 10 triệu đồng/m2 là phù hợp. Nếu thông tin về mức giá 14 triệu đồng/m2 đối với nhà giá thấp là có thực, Bộ Xây dựng sẽ cho tiến hành kiểm tra”.
Nên ưu đãi bên cầu
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định: "Tôi thấy, quan trọng hiện nay là phải có chính sách nhà thu nhập thấp thật minh bạch. Nhà thu nhập thấp của chúng ta đang tạo điều kiện cho bên cung, tức các doanh nghiệp trong khi nhiều nước trên thế giới họ tập trung tạo điều kiện cho bên cầu, tức người mua".
"Trường hợp bên cầu cần mua nhà, nhà nước sẽ tạo điều kiện cho họ vay tiền mua nhà và thị trường phải xây dựng được những ngôi nhà giá rẻ đáp ứng nhu cầu của họ. Việc ưu đãi cho bên cung, nhà kinh doanh chưa chắc đã đem những ưu đãi đó đến được với bên cầu".
"Mục đích cuối cùng của chúng ta là hướng đến bên cầu, giải quyết nhu cầu nhà ở cho những người có thu nhập thấp vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong xã hội. Việc nhà nước ưu đãi cho bên cung dẫn đến hậu quả, nhiều chủ đầu tư tìm cách tuồn nhà ra bên ngoài bán theo giá thị trường mà báo chí vừa nêu thời gian vừa rồi. Rõ ràng ưu đãi không đến được với bên cầu".
TS Liêm kiến nghị: "Chủ trương xây nhà thu nhập thấp là đúng đắn, tuy nhiên nên xây dựng nó thành phân khúc thị trường bình thường, cũng nên gọi là nhà giá rẻ chứ không nên phân biệt thành nhà cho người thu nhập thấp. Và đặc trưng của những căn hộ giá rẻ là diện tích hẹp hơn, tuy nhiên về chất lượng xây dựng phải được đảm bảo, không được phân biệt giữa nhà giá rẻ với nhà cao cấp. Có chăng khác nhau chỉ là về vị trí, trang trí, hoàn thiện. Lúc đó người mua sẽ có cơ hội nhiều hơn để sở hữu những căn hộ có giá phù hợp với mình. Trường hợp người dân không có đủ tiền, nhà nước nên cho vay ưu đãi. Khi đó giá nhà chắc chắn sẽ giảm hơn".
Theo Người đưa tin