Nhà đầu tư về đâu?
Hàng loạt vụ kiện tụng bùng nổ thời gian gần đây cũng cho thấy không chỉ các chủ đầu tư, nhiều khách hàng cũng đang ở vào tình thế “chịu hết nổi”.
Phần nổi tảng băng
Chưa có thời điểm nào trên thị trường BĐS, tình trạng kiện tụng, biểu tình của khách hàng với các chủ đầu tư lại diễn ra nhiều như năm 2012.
Từ những dự án thu tiền của khách rồi chủ đầu tư “lặn mất tăm” không khởi công xây dựng như chung cư 34 Cầu Diễn, Tricon Tower (Bắc An Khánh), dự án khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 (Thanh Trì), La Fontana (huyện Từ Liêm)… cho đến những dự án đang được xây dựng như Usilk City, CT1 Vân Canh, tòa nhà 52 Lĩnh Nam, Chelsea Park (Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy)… đều lần lượt bị khách hàng lên tiếng phản ứng đòi quyền lợi. Thậm chí, một số chủ đầu tư đã bị khách hàng kiện ra tòa như AZland, Viglacera…
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc kiện cáo diễn ra mạnh hơn trong thời gian gần đây bởi khi thị trường đi xuống, siêu lợi nhuận từ việc lướt sóng các dự án BĐS không còn, khách không còn tâm lý e dè, lo ngại như trước nữa.
Tuy nhiên, tình cảnh bi đát trên thị trường BĐS hiện nay khiến nhiều chuyên gia đánh giá, các vụ kiện cáo xảy ra thời gian qua chưa thực chất khi trên địa bàn TP Hà Nội còn hàng trăm dự án chủ đầu tư thu tiền nhưng không xây dựng, hoặc xây dựng nhưng chậm tiến độ giao nhà và theo đó, số lượng khách hàng vẫn còn chấp nhận “nín nhịn” lên hàng nghìn người.
Thậm chí, có những dự án chủ đầu tư đã bỏ hoang đến hàng chục năm như dự án khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 của chủ đầu tư Coma 7 khiến hàng chục khách hàng lâm vào tình trạng “khóc dở mếu dở”. Hay 5 tòa nhà của dự án Usilk City của Sông Đà Thăng Long cũng đang khiến nhiều khách hàng như ngồi trên lửa, khi những phân tích ngoài lề cho thấy khả năng hoàn thành gần như là… vô thời hạn.
Nhiều chuyên gia cho rằng với tình trạng thị trường bất ổn và trầm lắng như hiện nay, nhiều dự án có thể sẽ nối đuôi theo Usilk City và Coma 7. “Cung cách đầu tư của nhiều chủ đầu tư hiện nay là huy động tiền chỗ này, đắp chỗ khác. Khách hàng tưởng mình đóng tiền để xây dự án mình mua nhưng không phải vậy, bởi nhiều khi tiền này đã được chủ đầu tư đem đi đầu tư chỗ khác, dự án khác.
Cứ như vậy khiến không dự án nào đủ lực, dẫn đến tình trạng chết dây chuyền” - một chuyên gia phân tích. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyền lợi của khách hàng và một lượng tiền khổng lồ của họ đang có nguy cơ trở thành “đồng tiền chết”.
Được vạ, má sưng
Tại cuộc trao đổi giữa Đoàn giám sát HĐND TP và Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại về thực trạng ngổn ngang của các dự án trên địa bàn TP và lo ngại sẽ có sự “bất ổn” trong thời gian tới về phía khách hàng nếu như thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng và các dự án không lối thoát.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, đang có hàng trăm dự án chậm tiến độ hoặc bỏ hoang, đồng nghĩa với việc hàng ngàn nhà đầu tư bị “chôn” tiền ở đây, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, việc kiện tụng rất dễ có nguy cơ bùng nổ trong thời gian tới. “Hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán nhà, ai quản lý? Việc không thực hiện hợp đồng giữa chủ đầu tư với khách hàng sẽ được xử lý như thế nào?” - ông Nam đặt câu hỏi.
Lo ngại của Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội không phải không có cơ sở khi sự bi đát của các chủ đầu tư, các dự án trên địa bàn ngày một trầm trọng. Tình trạng xin lùi ngày giao nhà, chậm tiến độ, bỏ hoang dự án, thậm chí đòi tăng giá bán… trở nên phổ biến. Những nguyên nhân này đã dẫn đến việc bùng nổ các cuộc kiện tụng, tranh đấu giữa chủ đầu tư và khách hàng trong suốt thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, dù Sở biết thực trạng này nhưng để tháo gỡ, phía cơ quan chức năng chỉ có thể tăng cường giám sát tiến độ các dự án, thu hồi các dự án không triển khai… chứ khó can thiệp sâu, bởi giữa khách hàng và chủ đầu tư đã có hợp đồng ký kết. “Xung đột trong những vấn đề đã được ký kết nếu ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà 2 bên không thỏa thuận được sẽ phải ra tòa để giải quyết” - ông Tuấn cho biết.
Cũng chính điểm mấu chốt này đã khiến thị trường BĐS càng rối thêm, bởi nhiều khách hàng rất ngại "cuộc chiến pháp lý". Tâm lý không muốn làm to chuyện, “được vạ thì má đã sưng” khiến nhiều khách hàng chấp nhận nghe theo hứa hẹn của chủ đầu tư, đeo đuổi dự án đến cùng.
Tình huống kiện tụng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng khi chủ đầu tư thiếu thiện chí hợp tác và khách hàng cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng kiện tụng sẽ còn tiếp tục xảy ra bởi nhiều chủ đầu tư hiện không còn khả năng hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Theo ĐTTC