Nghị quyết 02 không hỗ trợ người mua nhà xã hội
Cho rằng Nghị quyết 02 của Chính phủ không quy định đối tượng mua nhà xã hội được hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước cho biết không thể "tự bổ sung" vào diện ưu đãi lãi suất.
Theo Dự thảo Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước, được vay ưu đãi lãi suất 6% là những hộ thu nhập thấp, cán bộ viên chức vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc mua nhà ở thương mại. Người thu nhập thấp mua nhà xã hội, đối tượng đáng được hỗ trợ lãi suất nhất, lại không thuộc diện ưu đãi.
Thông tin này đang gây không ít thắc mắc. Một quan chức Bộ Xây dựng dẫn chiếu các quy định hiện hành và cho biết, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước đã bỏ sót đối tượng là người mua nhà ở xã hội, đối tượng đáng được hỗ trợ nhất.
Ngày 19/3, Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra ý kiến giải thích, dự thảo Thông tư sắp ban hành để hướng dẫn Nghị quyết 02, vì vậy phải đảm bảo hướng dẫn đúng nội dung của Nghị quyết. Nghị quyết 02 quy định “NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp...". Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không thể tự “bổ sung” thêm hình thức “mua nhà ở xã hội” vào trong dự thảo Thông tư.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Luật Nhà ở năm 2005 về phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ quy định 2 hình thức đối với nhà ở xã hội là thuê và thuê mua cho cả đối tượng nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân phát triển nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc không đưa hình thức cho vay để mua nhà ở xã hội vào dự thảo Thông tư là để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Luật Nhà ở năm 2005.
"Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn ủng hộ các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được vay vốn mua nhà ở xã hội. Bất cứ khi nào các quy định của pháp luật cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ bổ sung ngay hình thức mua nhà ở xã hội vào Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Thực tế, Nghị định 71 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở nêu rõ, nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng gồm hình thức mua, thuê hoặc thuê mua theo cơ chế do Nhà nước quy định.
Một nguồn tin tiết lộ, Bộ Xây dựng đã có Công văn ngày 15/3 báo cáo Thủ tướng về việc có thể bỏ sót những đối tượng mua nhà xã hội.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo thuộc Vụ tín dụng cho hay, bản thân Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn muốn các đối tượng mua nhà xã hội được hỗ trợ ưu tiên lãi suất nhưng "lực bất tòng tâm" vì cơ sở pháp lý mua nhà xã hội hiện không rõ ràng.
"Ngân hàng Nhà nước thấy việc cho người mua nhà xã hội được ưu đãi lãi suất là hợp lý và rất ủng hộ điều này. Xét về thủ tục, việc cho vay đối với trường hợp mua nhà xã hội sẽ thuận lợi hơn các trường hợp thuê mua. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi sẽ bổ sung đối tượng mua nhà xã hội vào diện ưu đãi lãi suất", ông khẳng định.
"Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. Trong quý I năm 2013 phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng này. |
Theo VnE