Mê Linh: Giá đất tăng, đền bù dự án gặp khó
Dự án Làng hoa Tiền phong đã đền bù giải phóng xong năm 2004 nhưng do dân chưa được giao đất dịch vụ nên chưa cho chủ đầu tư làm |
Theo khung giá đền bù giải phóng mặt bằng mới của TP Hà Nội, mức hỗ trợ bồi thường cho người dân mất ruộng cao hơn rất nhiều tuy nhiên do giá đất ngày càng tăng cao khiến việc thu hồi đất đang gặp khó khăn.
Theo ông Đoàn Văn Trọng – Phó chủ tịch huyện Mê Linh, năm 2010, huyện Mê Linh đã đền bù giải phóng 78.89 ha đất theo đơn giá mới của quyết định 108 với giá đền bù xấp xỉ 310 triệu đồng/sào hoa, 295 triệu đồng/sào lúa.
Tổng số tiền chi trả cho các hộ dân là 556 tỷ đồng. Hoàn thành giải phóng mặt bằng và giao đất cho 8 dự án. Dự kiến trong năm 2011, huyện Mê Linh sẽ phấn đấu giải phóng được khoảng 100 ha đất.
Tuy nhiên, theo ông Trọng do giá trị sinh lời đất ngày càng cao nên công tác giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn nhất là các dự án đền bù dở dang sau khi Mê Linh sát nhập về Hà Nội.
Theo thống kê, hiện có 45 dự án (trong đó có 14 dự án khu đô thị) đang nằm trong tình trạng dở dang do bị áp cơ chế bồi thường GPMB đã được phê duyệt của tỉnh Vĩnh Phúc, đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp, việc trả đất dịch vụ cho các hộ dân chưa thể thực hiện. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện việc chi trả trên 50% diện tích được giao song đến nay vẫn chưa thể thu hồi được mặt bằng.
Bên cạnh đó, chiếu theo quy định các dự án này không được phê duyệt phương án bồi thường theo chính sách hiện hành. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng đang rất khó khăn và khó khả thi.
Ngoài ra, việc giải phóng đất trồng hoa đang là vấn đề nan giải bởi diện tích trồng hoa toàn huyện lại rất lớn khoảng 400 - 500 ha, mặc dù giá đền bù hoa là trên 300 đồng/sào nhưng do giá trị sinh lời một sào trồng hoa ngày càng tăng. Vì vậy, có trên 50% các hộ không đồng tình giao đất.
Một nông dân trồng hoa cho biết, mỗi năm gia đình thu được khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào đất trồng hoa. Chỉ cần làm vài năm chúng tôi đã có 300 triệu đồng, bên cạnh đó nếu giữ được đất canh tác các con, các cháu còn có việc để làm. Nếu giao đất rồi, chúng tôi không biết làm gì.
Để tháo gỡ vấn đề này, huyện đã họp và thống nhất phương án quy hoạch một vùng trồng hoa khác để bà con canh tác. Ngoài ra, đối với những dự án đền bù dở dang theo phương án đã được phê duyệt chủ đầu tư không có khả năng về tài chính yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân có đất bị thu hồi thực hiện chủ trương nhà nước.
Đối với dự án bồi thường GPMB dưới 50%, chủ đầu tư có khả năng về tài chính và có đề nghị được thực hiện theo quyết định 108, UBND huyện báo cáo thành phố cho phép huyện phê duyệt bổ sung phương án hỗ trợ, bồi thường theo quyết định 108/2009- QĐ UBNDTP Hà Nội.
Đối với dự án bồi thường GPMB được 50-80% cho phép chủ đầu tư được trả hỗ trợ thêm cho các hộ dân với tổng mức bồi thưưòng không vượt quá quy định pháp luật hoặc chủ đầu tư có thể mua lại đất dịch vụ người dân đã được hưởng trong dự án.
Đối với dự án bồi thường trên 80% diện tích được giao, huyện tiếp tục vận động người dân nhận nốt tiền theo phương án đã được phê duyệt.
Danh sách một số dự án đang nằm trong giai đoạn đền bù dở dang
Dự án Khu đô thị và nhà ở để bán - chủ đầu tư công ty Vinaconex 2, rộng 21 ha
Dự án khu nhà ở để bán - chủ đầu tư công ty Vinaconex 9, rộng 70 ha
Dự án xây dựng khu sinh thái và kinh doanh tổng hợp- chủ đầu tư công ty đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Tiền Phong, rộng 7 ha
Dự án khu sinh thái, chủ đầu tư công ty CP An Phát, rộng 97 ha.
Dự án vườn ươm, nhà biệt thự- chủ đầu tư công ty CP kiến trúc phòng cảnh HN, rộng 2.1ha
Dự án KĐT Cienco 5 mở rộng, chủ đầu tư công ty 547, rộng 17.9 ha
Dự án làng hoa Tiền phong, chủ đầu tư công ty TNHH Tiền Phong rộng 40 ha
Dự án nhà ở cao cấp Ba Đình, chủ đầu tư công ty CPĐTPTXD Ba Đình, rộng 8.6 ha…
Theo Vnmedia