Mặt trái của BĐS du lịch và những hạn chế
BĐS du lịch là phân khúc hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao trong tương lai nhưng vẫn tồn tại những mặt trái và hạn chế cần khắc phục.
Thiếu quy hoạch đồng bộ
Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài, Phó chủ tịch hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng là xu hướng đầu tư kinh doanh mới nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Bất động sản du lịch tại Việt Nam mới phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng cũng không rầm rộ như mọt số dòng sản phẩm khác của thị trường, như nhà ở, chung cư, bất động sản công nghiệp,... nhưng là kênh đầu tư hiệu quả và hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn.
Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao nên nhu cầu hưởng thụ, nghỉ dưỡng cũng tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây. Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng trung bình 11%/năm cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.
Tuy nhiên, sự quan tâm từ phía Nhà nước đối với phân khúc này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành. Cho tới thời điểm này, các cơ quan Nhà nước chưa có các nghiên cứu sâu về thị trường du lịch nghỉ dưỡng, chưa có quy hoạch tổng thể hay chi tiết cho từng vùng, từng phân khúc.
Ngoại trừ lĩnh vực sân golf, các loại hình bất động sản du lịch khác đều chưa có chính sách đặc thù, giải pháp riêng để phát triển bền vững.
Các chính sách liên quan đến lĩnh vực này vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa biết bao giờ mới hoàn thành: Bộ xây dựng đang lấy ý kiến thảo luận về chiến lược phát triển nhà đến 2020, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang tổng kết thi hành luật đất đai 2003, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nghị quyết 11 về hạn chế cho vay bất động sản, Bộ Tài chính đang xem xét sửa đối luạt thuế thu nhập các nhân có liên quan đến giao dịch bất động sản,...
Chính vì vậy, việc phát triển của nhiều loại hình bất động sản nghỉ dưỡng - du lịch trong thời gian qua còn mang tính tự phát. Ví dụ như số lượng các khu nghỉ dưỡng tăng nhanh nhưng các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn, các công trình dịch vụ đồng bộ còn thiếu, dẫn đến chất lượng nghỉ dưỡng bị giảm sút.
Việc thiếu quy hoạch chung cho lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng còn dẫn đến thực trạng các khu du lịch phân bố không đồng đều giữa các khu vực, vùng miền. Hầu hết các khu du lịch - nghỉ dưỡng đều tập trung tại miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Phan Thiết, Vũng Tàu... trong khi Tây Nguyên, đồng bằng phía Bắc và Tây Nam Bộ lại chỉ có rất ít sản phẩm bất động sản này.
Hơn thế nữa, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có sự gắn kết cần thiết đối với các dự án du lịch, các chương trình quốc gia về xúc tiến du lịch để tạo động lực phát triển cho cả 2 lĩnh vực này.
Mặt trái của bất động sản nghỉ dưỡng
Bên cạnh những lợi ích như tạo công ăn việc làm cho người bản địa, thu hút khách du lịch, đóng góp ngày càng nhiều cho sự tăng trưởng GDP của đất nước,... thì các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng bộc lộ những mặt trái và hạn chế nhất định.
Các dự án nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu ở ven biển, có vị trí đẹp, phù hợp với sở thích của đông đảo du khách. Điều này dẫn tới việc bờ biển bị khoanh vùng nhằm phục vụ nhu cầu của một số ít khách du lịch nhưng lại hạn chế quyền hưởng thụ của cộng đồng. Kể cả cư dân trong vừng dự án cũng không được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án này, thậm chí không có chỗ tắm biển, vui chơi, neo đậu tàu thuyền,...
Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường thuộc dạng cao cấp nên chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập trung bình trở nên trong khi những người lao động mới là tầng lớp chiếm số đông trong xã hội.
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc đòi hỏi nhà đầu tư phải có năng lực tài chính lớn, có chiến lược phát triển lâu dài và khả năng dự đoán xu hướng phát triển của thị trường trong tương lai.
Nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài đã không lường trước hết những rủi ro khi tiến vào lĩnh vực này nên đã buộc phải dừng hoặc bị thu hồi dự án dù vốn đăng kí đến hàng tỷ USD và thời gian khảo sát kéo dài nhiều năm. Tiêu biểu như, dự án Bãi biển Rồng ở Quảng Nam, có vốn đăng kí hơn 4tỷ USD nhưng đã bị thu hồi vì chậm triển khai. Dự án Hồ Tràm Asian Coast ở Bà Rịa Vũng Tàu, dự án Thành phố sáng tạo ở Phú Yên,... cũng chung kết cục.
Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này để tham mưu công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển bền vững nên các dự án đầu tư vẫn dàn trải, chưa cân xứng, cơ cấu đầu tư không hợp lí,... dẫn đến lãng phí vốn và tài nguyên đất.
Số lượng các dự án du lịch không nhỏ nhưng các sản phẩm mang tính độc đáo lại chưa nhiều. Phần lớn các sản phẩm du lịch đặc trưng lại mang tính chất tự nhiên nhiều hơn như Thánh địa Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An,...
Bên cạnh đó, một vấn đề vô cùng quan trọng nhưng lại bị các chủ đầu tư cố tình bỏ quên là tác động của các dự án đối với môi trường, xã hội và cả cơ sở hạ tầng của khu vực dự án.
Theo DVT