Lợi doanh nghiệp, hại cho dân
Mặc dù chưa giải phóng mặt bằng, nhưng dự án Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens đã được chào bán ầm ào như thể DA đã hoàn thiện…
Điều đáng nói hơn là trong khi người dân chưa bàn giao đất vì có quá nhiều điều bất hợp lý thì không hiểu vì lý do gì mà chính quyền địa phương không cần giải thích, đã ra quyết định cưỡng chế, bất chấp sự phản đối, bất bình của người dân.
Giá ngất ngưởng nhưng dự án vẫn đồng không mông quạnh!
DA nằm trên quận Hoàng Mai (Hà Nội) gần với công viên Yên Sở đang được giới đầu tư đánh giá cao về khả năng sinh lời. Chủ đầu tư của DA này là Cty TNHH Gamuda Việt Nam. Theo dự kiến, sớm nhất thì cũng phải đến đầu tháng 6 Cty mới ký hợp đồng góp vốn với khách hàng. Còn việc các Cty, các sàn giao dịch BĐS chào bán là động thái quảng cáo trước (PR). Tuy nhiên, theo một nhà môi giới BĐS cho biết, hiện nay một người trong BQL dự án có 8 suất ngoại giao nếu khách muốn mua thì phải “ôm” cả. Chênh lệch mỗi suất là 1, 6 tỷ đồng. Giá gốc cho nhà liền kề, xây thô là 2.600 USD/m2 diện tích 118m2. Như vậy, dự án này được chào bán với giá trên 62 triệu đồng/m2 bao gồm cả chênh lệch. Còn theo ông Vinh, một nhân viên tư vấn BĐS khác (cũng đăng thông tin rao bán dự án C2) thì giá gốc nhà chung cư của dự án này cao nhất sẽ là 25 triệu/m2. Đến tháng 6, Cty sẽ có hàng chào bán với nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu mua để ở.
Sau khi được nhân viên tư vấn đầu tư BĐS giới thiệu với bối cảnh được phối là chung cư, đô thị, thiết kế biệt thự sân vườn… chúng tôi tìm đến nơi để “mục sở thị” thì lại trái ngược hoàn toàn. DA vẫn chỉ là một khu đất trống, mênh mông nước, một tấm biển ghi DA nhà máy xử lý nước thải rách tả tơi. Hỏi về DA khu đô thị cao cấp thì một số người dân cho biết: “Dân chúng tôi bị lừa, bị đánh úp giờ lại đến những người đầu tư BĐS cũng thành…lừa nốt ”.
Vì lợi ích doanh nghiệp, bất chấp thiệt hại cho dân
Theo ông Lương Văn Thành– Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Trần Phú thì DA này đến nay vẫn chưa GPMB được vì sự khiếu kiện của người dân. Nhiều hộ dân phản ứng vì việc thông báo thu hồi đất và nhận tiền đền bù không công bằng, người dân không được thương lượng với chủ đầu tư (vì đây là đất sử dụng cho mục đích xây khu đô thị). Cũng theo ông Thành, trên diện tích đất nông nghiệp thu của các hộ dân phục vụ cho DA C2, không biết vì lý do gì mà thông báo lấy tiền và ngày nhận tiền chỉ có trong vòng 1 tuần khiến người dân không kịp kiến nghị khi phát hiện sai sót trong việc áp giá đền bù.
Trước đó, để tính đền bù cho người dân, chính quyền địa phương đã chia thành đất trong định mức (450m2) được tính giá cao hơn, còn ngoài diện tích đó người dân được đền bù 252 đồng /m2. Ban đầu giá đền bù được tính 2, 31 triệu đồng/m2 với đất trong định mức, nhưng khi người dân có đơn khiếu nại thì ngay lập tức giá đền bù lại được tăng lên thành 2, 88 triệu/m2. Chính vì lẽ đó người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. ông Thành cũng cho biết thêm, không hiểu vì lý do gì, một Cty của Indonesia đánh tiếng thỏa thuận lấy đất với giá 7 triệu đồng/m2, lấy bao nhiêu trả tiền từng ấy nhưng chính quyền địa phương lại thu hồi đất của dân giao cho Gamuda với giá thấp như vậy?! Vì những so bì trong dân giữa các khu đất thu hồi gần nhau giữa các phường không được lý giải thấu đáo nên người dân tiếp tục khiếu nại yêu cầu được xem xét, giải quyết công bằng.
Theo tìm hiểu của PV, QĐ số 6017/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về thu hồi 810.577m2 đất tại phường Trần Phú, Yên Sở (Hoàng Mai) giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị để thực hiện công tác hỗ trợ và tái định cư đất đối ứng DA đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Song, thực tế, DA này đã được Gamuda triển khai thành một Khu đô thị cao cấp với nhà liền kề, biệt thự sân vườn, chung cư cao cấp. Theo Luật Đất đai, với những DA thu hồi đất giao cho chủ đầu tư xây dựng khu đô thị thì người dân được thoả thuận đền bù với chủ đầu tư. Song ở dự án C2, việc áp giá không được công khai khiến người dân không đồng tình. Đây cũng là lý do vì sao công tác GPMB bị đình trệ.
Ông Thành cũng như nhiều hộ dân cho rằng, về vấn đề đền bù chưa thoả đáng, Người độc thân bị thu hồi một diện tích nhỏ thì được áp giá cao, với nhiều hộ dân (có quan hệ huyết thống) trước đây cùng được cấp chung một sổ đỏ lại chỉ được một lần định mức 450m với giá cao, còn lại chỉ được đền bù 252 ngàn đồng/m2. Thực tế, sổ đỏ sử dụng đất nông nghiệp được chia trong 50 năm, cả gia đình cấp chung một sổ, sau này họ tách thành nhiều hộ gia đình vẫn đồng quyền sở hữu sổ đỏ ấy. Tuy nhiên, khi áp định mức đền bù mỗi đầu sổ đỏ được định mức 450m2. Từ đó, nảy sinh vấn đề cùng một diện tích chia bình quân đầu người nhưng người độc thân, hộ gia đình nhỏ nhận tiền đền bù chia bình quân cao, còn có những đồng sở hữu sổ đỏ (nay đã thành hộ gia đình riêng) thì số tiền chỉ được nhận bằng 1/5 những hộ không có đồng sở hữu sổ đỏ. ông Thành cho rằng, định mức 450m2, phải được căn cứ trên hộ gia đình, chứ không thể căn cứ trên đầu sổ đỏ. Chỉ như vậy mới công bằng và người dân giao đất không bị thiệt thòi.
Trao đổi vấn đề này với PV, ông Nguyễn Xuân Chinh - Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho rằng: “Từ thực tế, chúng tôi cũng thấy sự không công bằng ấy. Song, chúng tôi không làm sai vì đã căn cứ vào Quyết định 108 của UBND Thành phố. Thực tế, mọi nơi việc đền bù GPMB cũng chỉ đạt sự công bằng ở mức độ nào thôi. Muốn thay đổi định mức áp giá về cho hộ gia đình thì phải thay đổi Quyết định của UBND Thành phố. Điều này ngoài thẩm quyền của chính quyền địa phương”.
Tuy nhiên, trong khi người dân vẫn còn thắc mắc về áp định mức giải phóng mặt bằng, thì bất chấp những điều dân không đồng tình, UBND quận Hoàng Mai đã liên tiếp ra các quyết định cưỡng chế với những hộ dân còn khiếu kiện. Rõ ràng, động thái này đã đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người dân!
Theo Nhà báo & Công luận