Khó như mua nhà giá gốc!
Đánh vào tâm lý muốn mua được nhà giá gốc của người dân, chủ đầu tư và người bán hàng tuyên bố "bán nhà giá gốc đến tận tay khách hàng, không qua môi giới", "bán suất nội bộ với giá gốc"… Thế nhưng, thực chất, giá gốc đã được chủ đầu tư ký kết hợp tác với khách hàng lớn (mua cả sàn). Do vậy, khi đến tay người tiêu dùng, giá đã bị đội lên hàng trăm triệu đồng/căn hộ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để mua được nhà giá gốc?" do VOV thực hiện chiều 6/12.mặc dù thị trường BĐS đang khó khăn, nhưng việc mua được nhà giá gốc vẫn không hề dễ.
Không thể tiếp cận được giá gốc
Trong vòng vài tháng trở lại đây, giá BĐS liên tục giảm ở cả đất nền và các phân khúc nhà chung cư. Thậm chí nhiều dự án còn giảm mạnh đến 35%. Mới đây nhất là một số dự án ngay gần trung tâm Hà Nội được chào bán với mức giá có thể coi là hợp lý như: Dự án An Bình (Cổ Nhuế, Từ Liêm) 15 triệu đồng/m2, dự án Sông Nhuệ (Hà Đông) 18 triệu đồng/m2…
So với mức giá trên thị trường trước đó của các dự án này thì giá giảm đến 35%. Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, đây đang là thời điểm thích hợp cho những người có nhu cầu thực về nhà ở mua nhà vì thời điểm này giá đã tiệm cận với giá trị thực. Giá giảm, đây là điều hiển nhiên do bối cảnh thị trường BĐS hiện tại, vậy nhưng mức giá này liệu đã phải là giá trị thực?
Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2011, TP Hà Nội có 2.700 giao dịch thì 900 giao dịch thành công. Điều này cho thấy giao dịch thành công đã giảm mạnh. Trong năm 2010, thống kê cho thấy giao dịch nhắm vào phân khúc thị trường căn hộ cao cấp thực sự nóng.
Hàng đưa ra chưa nhiều, trong khi đó kênh thông tin chính thống thì khi nào cũng thông báo hết hàng, vì thế nhu cầu người mua buộc phải thông qua các kênh không chính thống. Bên cạnh việc tiếp cận kênh không chính thống thì khách hàng phải thông qua một kênh nữa là giới đầu cơ. Với cơ chế giới đầu cơ có thể ăn chênh lệch sau một thời gian giữ hàng. Đấy là chưa kể thông tin khác về một số dự án có tính chất đặc thù. Do vậy, khách hàng không thể tiếp cận được với mức giá mà chủ đầu tư đưa ra ban đầu.
để người dân có thể mua được nhà với giá gốc.
Cũng theo ông Mai, ở TP HCM 4 năm trở lại đây người dân đã tiếp cận được với mức giá gốc do chủ đầu tư đưa ra, nhưng thị trường Hà Nội lại khác hẳn và đến thời điểm hiện tại dù BĐS đang rất khó khăn nhưng chưa chắc người mua đã tiếp cận được với mức giá gốc của chủ đầu tư. Cùng quan điểm này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ (Cengroup) cho rằng, thị trường BĐS Hà Nội lâu nay vẫn chủ yếu là qua nhà đầu tư thứ cấp nên dẫn đến việc giá bị đẩy lên quá nhiều.
Ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng BĐS (Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng) cũng cho rằng việc người dân tiếp cận được với giá gốc mà chủ đầu tư đưa ra là không hề dễ dàng. Ông Thường cho biết, đây là vấn đề thị trường do vậy Nhà nước không thể điều chỉnh được giá bán của doanh nghiệp. Giá nhà phụ thuộc vào vị trí dự án, thời điểm bán hàng của doanh nghiệp và còn tuỳ vào thời điểm đó thị trường nóng hay lạnh.
Mập mờ thông tin về giá bán
Ông Phạm Văn Thường cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá BĐS bị đẩy lên là do việc mập mờ thông tin về giá bán. Theo quy định thì khi chủ đầu tư chuẩn bị bán nhà ra thị trường thông qua sàn giao dịch phải bắt buộc thực hiện các bước như công bố thông tin về dự án qua báo chí, truyền hình để người dân biết rõ.
Tại sàn được ủy quyền bán hàng phải công bố đầy đủ thông tin về dự án và giá bán trong vòng 7 ngày để người dân biết, tìm hiểu… và rất nhiều quy định nữa, tuy nhiên thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện điều này. Nhiều sàn thì có công khai thông tin về dự án nhưng lại không công khai giá bán.
Do vậy, thông tin về giá hiện đang rất mập mờ. Thời gian qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp sàn BĐS hoạt động sai quy định và vi phạm kiểu này rất nhiều. Tuy nhiên chế tài xử phạt còn nhẹ với mức phạt hành chính chỉ vài chục triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe
Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, đến thời điểm cung cầu gặp nhau thì vấn đề này sẽ tự được giải quyết. Tuy nhiên, thời điểm này khó đoán là lúc nào. Bên cạnh đó, giải pháp minh bạch thông tin là yếu tố hết sức quan trọng. Chính vì thế, Hiệp hội BĐS Việt Nam đang đề nghị Bộ Xây dựng cho thành lập Hiệp hội Môi giới BĐS để minh bạch thông tin.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, người mua nhà phải là người tiêu dùng thông thái, cân nhắc lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín và đặc biệt không nên mua nhà theo cách lâu nay nhiều người thực hiện là mua nhà giá gốc cộng với tiền chênh, vì thực tế cái giá gốc được chào đó cũng không biết có thực không.
Để giải bài toán cho người dân tiếp cận được với giá gốc, ông Thường cho biết, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ nhiều chính sách điều chỉnh thị trường như các quy định với doanh nghiệp BĐS, chính sách về thuế, vốn… để tăng nguồn cung. Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho biết, tới đây sẽ tổ chức nhiều các hội chợ BĐS tại nhiều địa phương để doanh nghiệp và người mua gặp trực tiếp nhau. Từ đó người dân mới có thể tiếp cận được mức giá gốc của doanh nghiệp đưa ra