Bong bóng BĐS không vỡ
Theo quan điểm của ông Phan Thành Mai, Trưởng Ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc thì việc đưa BĐS vào phi sản xuất như Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước là hết sức bất lợi bởi đối với BĐS dưới góc độ là hình thái sản xuất ra sản phẩm rất cụ thể, sử dụng nhiều lao động. Đó là sự bất hợp lý cho nên rất cần sàng lọc, phân chia, điều tiết các mảng dự án khác nhau trong lĩnh vực BĐS. Do Chỉ thị 01, thanh khoản trên thị trường giảm dẫn đến giá đất nền, nhà chia lô nhiều nơi cũng giảm theo.
Vốn của BĐS vẫn nằm "trong vòng" kiểm soát. Ảnh: N.Lê
Tuy nhiên, theo ông Mai, dù giảm giá nhưng khó có thể dẫn tới nguy cơ vỡ bong bóng trên thị trường bởi phân khúc thị trường khác nhau dẫn đến dòng sản phẩm khác nhau, trong khi sản phẩm bình dân đang còn thiếu thì không có lý do gì phân khúc thị trường này vỡ. Sản phẩm thực tế vẫn thiếu, xu hướng đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu nhà ở khu vực đô thị vẫn rất lớn thì việc nhìn góc độ bong bóng chung cho cả thị trường là không chính xác.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá BĐS có suy giảm, trên đường cong khảo sát, giá BĐS cuối tháng 5.2011 còn vẫn cao hơn giá BĐS vào thời điểm tháng 1.2010 và cao hơn giá thành tạo lập nên giá BĐS. Do đó, có xu hướng giảm nhưng khả năng thanh toán cũng như giá trị của BĐS vẫn nằm trong lĩnh vực an toàn, các doanh nghiệp BĐS vẫn có khả năng thanh toán và trả nợ ngân hàng, tuy lượng giao dịch có giảm sút. Vì vậy, theo Thứ trưởng không có khả năng xảy ra vỡ bong bóng BĐS.
Đưa BĐS ra khỏi phi sản xuất
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã đưa ra quan điểm của Bộ là không tán thành việc coi BĐS là lĩnh vực phi sản xuất. Vì thế, cần đưa BĐS ra ngoài lĩnh vực phi sản xuất nhưng vẫn nằm trong khu vực kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền, siết chặt tín dụng.
Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị không tăng dư nợ mà kiểm soát dư nợ BĐS chặt chẽ, trong đó đề nghị kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền không cho vay vào việc đền bù giải phóng mặt bằng, cái này là phi sản xuất, không sinh ra sản phẩm cho xã hội, không cho vay vào các dự án BĐS cao cấp đang có xu hướng bão hòa và không phục vụ cho đại đa số người dân.
Nhưng chuyển dư nợ này dần sang các phân khúc ưu tiên, chuyển sang cho vay dự án nhà ở có quy mô nhỏ có giá trung bình, thấp, các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp và cho các đối tượng xã hội, một số dự án đang ở mức độ gần hoàn thành có thể tiếp tục cho vay để biến thành hàng hóa tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS.
Bộ đề xuất tiếp tục cho vay các hộ gia đình có nhu cầu mua nhà bởi đó là những gia đình có nhu cầu mua thật, có khả năng thanh toán, có công ăn việc làm ổn định, thì họ vẫn có thể được vay tiền để chuyển dư nợ từ phần tạo ra BĐS sang dư nợ của người tiêu dùng, tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS. Đồng thời, đảm bảo thị trường không bị sốt nóng, nhưng cũng không bị đóng băng một cách đột ngột, vẫn có giao dịch bình thường, lại tạo được khả năng trả nợ cho các doanh nghiệp BĐS cũng như tạo ra thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho bộ phận các doanh nghiệp trong ngành xây dựng BĐS.
Theo Lao động