Dự án “treo”, chủ tịch tỉnh phải xử lý
Các dự án "treo" 1-2 năm có thể bị thu hồi. Nếu vi phạm nặng, chủ đầu tư không được giao dự án trong một thời gian.
“Trong năm 2009, có hơn 3,7 triệu m2 đất bỏ hoang hoặc chưa sử dụng trong tổng số 6,3 triệu m2 đất do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn TP.HCM. Tại các đô thị, có những dự án chiếm hàng chục hecta đất vàng nhưng lại để không”.
Đó là thông tin đáng chú ý tại Hội thảo Chiến lược lược nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng và Chương trình định cư con người của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UN-HABITAT), ngày 8-3.
Nhà đầu tư không muốn đầu tư
Chậm trong bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân dự án nhà ở chưa thực hiện được. Trong ảnh: Một dự án nhà ở chậm triển khai ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD |
Theo UN-HABITAT, hiện có nhiều dự án đang trong tình trạng “treo” do ý định của nhà đầu tư chỉ muốn có đất, sau đó buôn bán đất thô chứ không đầu tư. Cạnh đó, một số doanh nghiệp nhà nước được thuê đất với giá bao cấp, giá thuê thấp hơn nhiều so với giá thị trường đã cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá.
Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng giữa những doanh nghiệp nắm giữ bất động sản và các doanh nghiệp khác.
Về dự án nhà ở bị “treo”, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho rằng: Dự án nhà ở chưa thực hiện được là do nhiều nguyên nhân như vướng về quy hoạch, kiến trúc; chậm trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư kém về tài chính, thiếu kinh nghiệm…
Tuy nhiên, Luật Đất đai đã có đầy đủ các quy định để xử lý các dự án “treo” này. Cụ thể, chủ đầu tư chậm triển khai dự án 12-24 tháng có thể bị thu hồi. Thậm chí nếu vi phạm nặng, có thể chủ đầu tư không được giao dự án trong một thời gian. Ông Ninh cũng cho rằng trách nhiệm xử lý đối với các dự án “treo” thuộc về chính quyền địa phương, cụ thể là của chủ tịch UBND tỉnh, TP.
Nhiều vi phạm trong dự án nhà ở
Tài liệu tại hội thảo dẫn nguồn từ Thanh tra Chính phủ cho biết nhiều dự án nhà ở và phát triển đô thị không chỉ vi phạm về quy hoạch mà còn vi phạm về chỉ tiêu sử dụng đất, không phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư đã tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất tối đa lên nhiều lần so với quy hoạch được duyệt.
“Nhiều khu dân cư, khu đô thị thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên không đáp ứng điều kiện sống cho người dân. Các dự án chưa có sự khớp nối về tổ chức không gian, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu đô thị mới. Các chủ đầu tư mạnh ai nấy làm, gây ra úng ngập cục bộ, ùn tắc giao thông tại chính khu đô thị và khu dân cư lân cận” - ông Trần Xuân Bách, quản lý dự án nhà ở cho người thu nhập thấp của UN-HABITAT chỉ rõ.
Cũng theo ông Bách, hiện việc quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, hạ tầng và các mục đích khác chưa rõ ràng, tỉ lệ cho các hạng mục chưa thích hợp. Các dự án nhà ở có hệ số sử dụng đất cao, số người ở tăng lên, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị, tác động xấu tới môi trường. Nhiều dự án nhà ở gặp khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm trễ triển khai thi công. Việc di dời, tái định cư ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của những người bị di dời, đặc biệt là những người nghèo.
Để khắc phục các vướng mắc trên, bà Vũ Thị Vinh, Phó Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, cho rằng phát triển nhà ở không chỉ là xây dựng các ngôi nhà mà cần phải quan tâm tới việc xây dựng đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.
Cùng với đó, cung cấp các dịch vụ cơ bản của đô thị cho người dân sống trong các ngôi nhà đó. Xây dựng mạng lưới đường, hệ thống thoát nước, trường học, bệnh viện là những ưu tiên cần quan tâm trong quy hoạch các khu nhà ở đô thị.
“Cần nâng cao năng lực về quản lý đô thị cho chính quyền để có thể thực hiện tốt vai trò trong điều hành quản lý và trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị tốt cho người dân” - bà Vinh đề xuất.
Theo Pháp luật TP HCM