Dính bẫy ‘cò’ nhà đất
Giữa lúc nhà, đất ế ẩm, để bán được sản phẩm, nhiều “cò” nhà đất đã tự “vẽ” ra những tiện ích cho dự án, khiến không ít khách hàng dính đòn đau.
Anh Nguyễn Hoàng Phương, ở Gò Vấp, TP.HCM cho biết, anh vừa bị nhân viên môi giới nhà đất của công ty Bất động sản Phát Hưng nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận 1, TP HCM “dụ”.
Đường 5 m thành… 40 m
Cuối năm 2010, anh Phương được nhân viên công ty Phát Hưng môi giới bán lô đất 100 m2 tại dự án T30 (quận 8, TP HCM), do Công ty Hạ tầng Sài Gòn làm chủ đầu tư, với giá 2,6 tỷ đồng. Sở dĩ anh mua với giá đắt như vậy, bởi theo người môi giới, lô đất nằm ở vị trí đắc địa, mặt tiền đường Chánh Hưng rộng 40m, lại ngay chân cầu, tiện cho giao thông.
Ngay khi ký hợp đồng mua bán, anh đã đặt cọc 500 triệu đồng. Do không đủ tiền, anh đã đem hồ sơ lô đất đến cầm cố ngân hàng. Khi nhân viên tín dụng của ngân hàng xuống thẩm định lô đất, mới “té ngửa” là mặt tiền đường 5 m, chứ không phải 40 m như “cò” nói.
Không những thế, dù là mặt tiền nhưng để vào được nhà, anh Phương phải đi vòng một đoạn mới cho xe quay vào được. Bức xúc, anh Phương đã chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Công ty Phát Hưng phải trả lại tiền cọc cho mình.
Bà Phương, nhân viên trực tiếp môi giới bán lô đất trên, cho rằng, mình tư vấn đúng theo quy hoạch mà chủ đầu tư đưa ra. Việc ngân hàng thẩm định mặt tiền đường chỉ 5m mà không phải 40 m là do… “nghiệp vụ mỗi bên khác nhau”. Bà Phương cũng hứa sẽ trả lại tiền khi nào bán xong được đất.
Mới đây, anh Hưng ở Đồng Nai lên Sài Gòn mua một miếng đất nông nghiệp ở huyện Nhà Bè thông qua một “cò” địa phương. Theo thông tin mà “cò” đưa ra, nếu mua đất anh sẽ được bao xây nhà và làm giấy chủ quyền. Tuy nhiên, chỉ riêng việc tách sổ đỏ, nhiều năm qua, anh Hưng phải năn nỉ xin chủ nhà, anh Hưng cũng không được hỗ trợ. Chủ nhà yêu cầu, muốn tách sổ, anh Hưng phải chi thêm tiền.
Biết đưa đẩy là “dụ” được khách
Tại TP.HCM, bên cạnh những công ty hoạt động bài bản, thì còn khá nhiều đơn vị môi giới nhà đất hoạt động kiểu tự phát. Hầu hết nhân viên môi giới ở đây đều không được đào tạo. Thậm chí tại gốc cây, quán cà phê vỉa hè cũng được trưng dụng làm nơi môi giới nhà đất, vì ở đâu có nhà đất là ở đó có “cò”. Đa phần những người này là dân “xe ôm, trà đá”, họ vừa làm việc chính của mình và kiêm luôn chức năng môi giới nhà đất để kiếm thêm.
Đa phần “cò” đất hiện nay không hề biết về kiến thức pháp luật hay phương pháp thẩm định giá nhà, đất, mà chỉ cần nắm bắt biết được thông tin đất đai ở đâu sốt, biết “đưa đẩy” là dễ dàng dụ được khách hàng.
Nếu như các sàn giao dịch bất động sản còn chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, thì giới “cò” rất tự do, thông tin đưa ra với khách hàng cũng khó mà kiểm chứng. Do nhu cầu về nhà ở của người dân quá lớn nên nghề này luôn “hot” và kiếm bộn tiền hoa hồng và tiền chênh lệch.
Chính vì vậy mà mới có chuyện một người bán trứng vịt lộn ở chợ rau Mai Xuân Thưởng tên Thảo L., nhờ làm cò đất đã phất lên thành tỉ phú trong ngành kinh doanh bất động sản TP.HCM. Hiện nay công ty của bà này có hàng loạt dự ở những vị trí đắc địa tại thành phố. Hay giám đốc một công ty địa ốc khác có số má trong làng bất động sản TP.HCM hiện nay nắm trong tay hàng chục công ty con cũng từng là một “cò” đất.
Theo Vnmedia