Đất nông nghiệp : Nghịch lý quy hoạch và sử dụng
Ngoài việc thu hồi đất cho phát triển các khu đô thị, công nghiệp, tình trạng thu hồi và cấp phép để xây dựng các sân golf trên diện tích đất nông nghiệp cũng đang diễn ra khá phổ biến
Theo GS Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nhiều nước rất quan tâm tới vấn đề sử dụng quỹ đất nông nghiệp thì VN lại đang “thờ ơ”. Bởi lẽ, lâu nay từ cấp Trung ương đến địa phương vẫn chưa có được những động thái quan tâm đúng mức tới vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Việc thu hồi nhanh chóng diện tích đất trồng lúa nước để phát triển công nghiệp và đô thị là một việc làm có thể khiến chúng ta phải trả giá sau này.
Ồ ạt cắt đất
Thực tế, hiện nhiều địa phương có điều kiện thành lập và xây dựng các khu công nghiệp ở những khu vực đất đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng vẫn tiến hành quy hoạch và đề nghị cho thành lập các khu công nghiệp trên những vùng đất thuận lợi về hạ tầng, đất nông nghiệp bằng phẳng.
Theo báo cáo mới đây của Bộ TN& MT, diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc năm 2010 đã giảm 378,7 nghìn ha, trong đó, giảm nhiều nhất ở ĐBSH, cụ thể: Hải Dương giảm bình quân 1.642 ha/năm, Hưng Yên 943 ha/năm, TP Hà Nội 1.067 ha/năm. Vùng kinh tế phía Nam, TP Hồ Chí Minh giảm 3.045 ha/ năm, Tây Ninh 2.764 ha/năm, Tiền Giang 1.875 ha/ năm, Long An 2.697 ha/ năm, Bến Tre 1.725 ha/năm.
Bên cạnh đó, theo ông Phùng Văn Nghệ - Tổng cục trưởng Cục quản lý đất đai Bộ TN& MT, ngoài việc thu hồi đất cho phát triển các khu đô thị, công nghiệp, hiện nay tình trạng thu hồi và cấp phép để xây dựng các sân golf trên diện tích đất nông nghiệp cũng đang diễn ra khá phổ biến. Diện tích các sân golf đang hoạt động chiếm trên 2.400 ha, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp. Cũng theo một số chuyên gia, trung bình mỗi năm, mỗi sân golf cần sử dụng lượng nước tưới trung bình 60 m3/ha. Một sân golf 18 lỗ như sân golf Kim Nỗ- Hà Nội cần tới 150.000 m3 nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu 20.000 hộ gia đình.
Hơn nữa, ở một số địa phương việc dành quỹ đất nông nghiệp cho công ích của xã đang ngày càng cho dấu hiệu vượt quá quy định. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Đất đai năm 2005, mỗi xã chỉ nên để lại không quá 5% đất nông nghiệp dành cho công ích. Tuy nhiên, cho đến hiện nay thì vẫn còn 21 tỉnh, thành phố để lại quỹ đất này vượt quá tỉ lệ cho phép. Theo Cục trưởng Cục quản lý đất đai Bộ TN& MT, điển hình phải kể tới Đà Nẵng vượt tỉ lệ 15,46%, Hà Nội 13,94%, Bắc Ninh 11,7%, Thừa Thiên Huế 11,7%, Quảng Ninh 11,59%, Hà Tĩnh 11,10%.
DN sợ đầu tư dài hạn vì... luật
Ông Khuyến cho biết, hiện tại việc quản lý, sử dụng đất đai còn tồn tại nhiều bất cập, trước hết là do việc quy định về thẩm quyền cấp phép đất chưa rõ ràng, chính xác và thiếu minh bạch. Đồng thời, trong quá trình thực thi các bộ luật thì chồng chéo trong các quy định giữa Luật đất đai với một số đạo luật chuyên ngành như Luật quy hoạch phát triển đô thị, Luật đầu tư, Luật xây dựng. Điều này tạo ra nhiều mâu thuẫn phát sinh và gây ra không ít khó khăn cho DN.
Thời hạn giao đất cho các dự án đầu tư của DN là 50 năm nhưng theo Điều 25 Luật Đất đai thì quy hoạch tổng thể là 10 năm và có thể được xem xét sửa đổi 5 năm 1 lần. Điều này khiến DN bất an |
Ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Cty CP thủy sản Nhật Hoàng cho biết, theo quy định tại Điều 25 Luật đất đai thì quy hoạch tổng thể là 10 năm và có thể được xem xét sửa đổi 5 năm 1 lần, trong khi thời hạn giao đất cho các dự án đầu tư của DN là 50 năm. Điều này đã gây ra thiệt hại và rủi ro không nhỏ cho các DN. Và chính những thay đổi như vậy sẽ làm cho DN có tâm lý lo ngại và sẽ phải lựa chọn phương án đầu tư ngắn hạn, dẫn tới tình trạng sử dụng đất thiếu hiệu quả.
Còn ông Huỳnh Văn Ngọc - Giám đốc Cty TNHH chế biến xuất khẩu nông sản Bảy Ngọc bức xúc nói, một nghịch lý hiện nay là khi giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế VN nhưng diện tích cho sản xuất nông nghiệp lại đang thu hẹp dần. Điều này dường như đi ngược lại với chủ trương, chính sách và vi phạm quyền lợi của người nông dân. Bởi lẽ, gần 80% dân số VN sống bằng nghề nông nghiệp.
Được biết, Bộ TN& MT đã kiến nghị với Chính phủ giao Bộ NN& PTNT chủ trì phối hợp với TN& MT, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân. Hi vọng, với kiến nghị này, việc quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp sẽ có nhiều điểm “sáng” hơn.
Theo Tầm nhìn