Đại gia bất động sản đua tăng vốn
Việc các công ty bất động sản đẩy mạnh phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi vào lúc này có giúp giải cơn khát vốn trầm trọng?
Còn quá sớm để khẳng định bức tranh sáng sủa của thị trường bất động sản trong năm 2013. Tuy nhiên, không ít công ty bất động sản đã chớp thời cơ thị trường chứng khoán khởi sắc để huy động vốn bằng cổ phần nhằm tái cấu trúc và tìm kiếm đối tác chiến lược mới.
Địa ốc Đất Xanh nhanh tay bắt tay ngân hàng
Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc Đất Xanh (DXG) là "con ong" chăm chỉ huy động vốn nhất trong số các công ty bất động sản niêm yết trên sàn. Năm 2011, tuy thị trường giảm sút mạnh, DXG vẫn huy động được 187 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu và tăng vốn từ 160 tỷ lên 320 tỷ đồng. Năm 2012, thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, sau 3 tháng kể từ ngày 25/9, công ty đã huy động thêm 100 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Đối tác chiến lược mới tham gia mua cổ phần của DXG là Ngân hàng Thương mại Việt Á. Sau đợt phát hành của Đất Xanh, Việt Á chính thức nắm giữ 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương vừa mua vào 2,86% vốn cổ phần của DXG, lại là cổ đông lớn của Ngân hàng Việt Á. Nếu tính cả tỷ lệ nắm giữ của Việt Phương, Ngân hàng Việt Á trở thành cổ đông lớn của DXG với tỷ lệ sở hữu là 13,86%.
Phải công nhận DXG khá nhanh nhạy trong bối cảnh khó khăn của ngành bất động sản lên mức đỉnh điểm với mức lãi suất cho vay lên đến 19-20%/năm hồi đầu năm 2012. Ngay sau thời điểm phát hành cổ phần nói trên, Công ty công bố sẽ đầu tư dự án Khu nhà ở tại phường Hiệp Bình Phước, Tam Bình, Quận Thủ Đức, diện tích 3,6 ha, với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Có ngân hàng hậu thuẫn, DXG sẽ được hỗ trợ nhiều về nguồn vốn lưu động để triển khai các dự án có mức đầu tư lớn, cũng như hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà. Khi bức tranh thị trường bất động sản chưa thực sự rõ ràng, quyết định đầu tư mạnh tay của DXG có thể hơi liều lĩnh. Tuy nhiên, lựa chọn phát hành cổ phiếu và chọn đối tác là ngân hàng thương mại của DXG khá khôn ngoan tại thời điểm này.
Vingroup lấy đà tìm vốn trên thị trường quốc tế
So với DXG, Tập đoàn Vingroup (VIC) có bước đi thận trọng hơn. Công ty vừa công bố Nghị quyết ĐHCĐ về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1.000:325 và tăng vốn điều lệ thêm khoảng 2.276 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện tại của VIC ở mức trên 7.000 tỷ đồng. Mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần sẽ được quyền nhận thêm 325 cổ phần phát hành thêm.
Thực chất, việc phát hành tăng vốn này không có ý nghĩa nhiều với cổ đông hiện hữu vì là hình thức kế toán ghi nhận tăng vốn sử dụng nguồn thặng dư vốn. Quan trọng hơn, sau khi phát hành cổ phiếu tăng thêm, vốn điều lệ của VIC tăng lên 9.281,12 tỷ đồng, VIC có thể dễ dàng tăng quy mô phát hành trái phiếu huy động vốn.
VIC cũng vừa điều chỉnh room nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE từ 29% xuống 22%, chủ yếu cho mục đích chuyển đổi lô trái phiếu trị giá 115 triệu USD hiện niêm yết tại Sở GDCK Singapore, với giá chuyển đổi hiện hành là 88.000 đồng/cổ phần. Hiểu theo cách khác, đây chỉ là một bước lấy đà cho quá trình tìm kiếm vốn tiếp theo của VIC trên thị trường quốc tế. Do nhu cầu vốn lớn, VIC đang chuộng hình thức trái phiểu chuyển đổi - công cụ phù hợp trong bối cảnh lãi suất đang hạ, không phải trả nợ gốc.
Hoàng Anh Gia Lai tìm cách giảm áp lực nợ
Phát biểu lạc quan của bầu Đức rằng, thị trường bất động sản Myanmar "có thể nóng đến 80độ C trong vòng 5 năm tới" liệu có phải là nguyên nhân chính của đợt phát hành cổ phiếu rầm rộ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)?
Theo thông báo, HAG sẽ chào bán thêm 107,4 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Dự kiến công ty này sẽ thu về 1.074 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án cao su, mía đường và bổ sung vốn hoạt động. Khả năng thành công của đợt phát hành này là tương đối khả quan, do giá thị trường cổ phiếu HAG là 25.800 đồng/cổ phần, cao hơn gấp 2,5 lần mức giá chào bán mà HAG đưa ra.
Ngoài ra, HAG cũng phát hành riêng lẻ cổ phần phổ thông để chuyển đổi trái phiếu quốc tế. Số cổ phần phát hành dự kiến là 75 triệu cổ phần, tương đương với khoảng 11% tổng số cổ phần lưu hành sau khi hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ, hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Giá phát hành cổ phần ấn định không thấp hơn 21.000 đồng/cổ phần.
Tổng giá trị phát hành dự kiến của đợt phát hành này khoảng 1.546 tỷ đồng. Như vậy, nếu phát hành thành công cả 2 đợt trên, vốn điều lệ HAG sẽ tiếp tục tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện tại, 5.373 tỷ đồng.
HAG đã được cấp phép đầu tư dự án khu phức hợp với tổng mức đầu tư 300 triệu USD tại Yangoon, Myanmar. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa hết đeo bám HAG khi áp lực trả lãi vay khá lớn, do dư nợ vay lên đến 14.837 tỷ đồng.
HAG phải mạnh tay giảm giá bán bất động sản để tạo dòng tiền trả nợ lãi vay. Có thể thấy rõ điều này qua doanh thu bán căn hộ của HAG trong quý 3/2012, nhảy vọt lên 2.135 tỷ đồng, tăng gấp 2,66 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận biên của mảng kinh doanh sinh lời truyền thống này đã giảm sút mạnh từ 52,6% xuống chỉ còn 17,4%.
Cân đối dòng tiền trả nợ đối với HAG hiện quan trọng hơn nhiều so với duy trì tỷ suất lợi nhuận biên cao. Việc HAG quay về với công cụ huy động vốn truyền thống - phát hành cổ phiếu - khi thị trường chứng khoán đã ấm dần không có gì khó hiểu.
Đối với các công ty bất động sản, phát hành cổ phiếu năm 2013 đang diễn ra suôn sẻ nhờ thị trường chứng khoán đang phục hồi. Tuy nhiên, HAG cũng như các doanh nghiệp bất động sản cũng vẫn cần thận trọng, bởi triển vọng thị trường bất động sản mới chỉ lóe sáng.
Theo DĐDN