Cơ hội cho những dự án cũ
Giới đầu tư tháo chạy dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý
Đầu tư bất động sản luôn là mục tiêu của nhiều người dân thành thị bởi ai ai cũng nghĩ đầu tư bất động sản không có chuyện thua lỗ mà chỉ thắng. Vì vậy, từ những người nhiều tiền đến người ít vốn đều lựa chọn cho mình phân khúc riêng để đầu tư.
Tuy nhiên, kể từ thị trường trầm lắng, giá bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã có thời gian bình tĩnh để rút ra những bài học cho riêng mình.
Xuất phát từ thực tế, trong đợt giảm giá mạnh của thị trường lần này thì những dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý và chưa giải phóng xong mặt bằng lao dốc quá nhanh. Đơn cử, dự án Thanh Hà - Cienco 5(Hà Đông) giá giảm 40-45 triệu đồng/m2 xuống còn 20-25 triệu đồng/m2, dự án Kim Chung Di Trạch giá giảm 50-55 xuống còn 25-30 triệu đồng/m2, dự án An Thịnh 6 giá bán từ 28 triệu đồng/m2 hiện chỉ còn xấp xỉ 20 triệu đồng/m2…
Điều đáng nói, mặc dù giá giảm mạnh như vậy nhưng vẫn không thể bán được bởi giới đầu tư đã tháo chạy, còn những người có nhu cầu mua nhà để ở không dòm ngó bởi nếu đổ tiền vào đây thì không biết bao giờ mới có thể nhận được nhà.
Chị Bích Liên - giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hà Nội cho biết, tại quận Hà Đông, giá đất tại các dự án đã có sự chênh lệch khá rõ ràng, Trong khi các khu đô thị mới như Văn Khê, Văn Phú, Xa La giá nhà đất chỉ giảm mức chung bình 7-10 triệu đồng/m2, thì những dự án hoang như Thanh Hà, giá giảm 20 triệu đồng/m2.
"Hiện tại, thị trường nếu có giao dịch thì chỉ tập trung những dự án đã hoàn thiện và bàn giao nhà. Còn những dự án chưa giải phóng mặt bằng hay vẫn chỉ là bãi đất trống thì gần như chết đứng từ gần 1 năm nay" chị Liên cho biết.
Theo phân tích của các đơn vị phân phối bất động sản thì thì thời gian gần đây các nhà đầu tư và người mua nhà đã gần như quay mặt với những dự án kiểu này.
Nguyên nhân là do trước đây khi thị trường vào cơn sốt đất nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra cả chục đến trăm tỷ đồng để mua hàng chục lô đất thậm chí cả vài block nhà tại những dự án chưa hề giải phóng xong mặt bằng. Nhưng cả năm nay những dự án kiểu này vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Trong khi tiền thì ngày càng cạn kiệt, giá đất giảm mạnh khiến nhiều người không đủ sức đeo đuổi dự án.
Đó là chưa kể đến việc thời gian vừa qua trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư và chủ các dự án xung quanh vấn đề pháp lý và tiến độ thực hiện dự án không đúng cam kết đã khiến cho người mua nhà thực sự mất niềm tin.
Vì vậy, thị trường bất động sản đã có sự chuyển dịch về xu hướng đầu tư an tòan do nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản trước sự hạn hẹp về tín dụng trong đó việc hạn chế cho vay với những dự án mới, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Cơ hội cho những dự án cũ
Có lẽ việc các nhà đầu tư quay mặt lại với dự án được bán lúa non đang tạo ra cơ hội tốt cho những dự án đã hoàn thiện đầy đủ pháp lý và dự án hoàn thiện xong nhà.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vài tuần nay kể từ khi ngân hàng hạ lãi suất huy động và cho vay, thị trường bất động sản có phần nhộn nhịp và những tín hiệu tích cực chỉ xảy ra tại những dự án cũ.
Chị Nguyệt Nga - Giám đốc công ty BĐS Phát Lộc cho biết, hiện giá bất động sản đang ở mức thấp vì vậy nhiều khách hàng quyết định tham gia thị trường vào lúc này. Tuy nhiên, có một điều khác biệt hơn so với trước kia là đó là khách hàng không quan tâm đến những dự án vẫn còn đang ở giai đoạn “lúa non” cho dù giá rẻ đến mấy. Họ chỉ tìm hiểu những sản phẩm bất động sản đã hoàn thành thủ tục pháp lý hoặc chí ít cũng giải phóng xong mặt bằn bởi nó có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ về thuế chủ đầu tư đã hoàn thành xong với mức giá cũ (không bị áp theo nghị định 69-PV). Ngoài ra, giá xây thô thời điêm trước rẻ hơn rất nhiều so với mức giá hiện tại.
Theo phân tích chị Nga, để mua được dự án tại các khu đô thị quận Hà Đông trước đây khách hàng phải chi trả khoảng 7-8 tỷ đồng/căn nhà diện tích 80-90m2. Tuy nhiên, hiện tại chỉ với 4-5 tỷ đồng khách hàng có thể mua được nhà xây thô. Đây là mức giá hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn và người có nhu cầu ở thực sự không có áp lực về tài chính.
Theo Vnmedia