"Cò" đất lừa người thuê nhà ngày càng tăng
Không hoạt động đơn độc như trước đây, hiện nay, ở nhiều nơi, “cò” nhà trọ công khai làm “ổ” dưới danh nghĩa dịch vụ nhà đất, sàn giao dịch bất động sản… để tăng hiệu quả “cài bẫy” con mồi.
“Cò” P. đang giới thiệu phòng trọ. |
Cho thuê nhưng… không muốn khách thuê
“Cho thuê nhà trọ giá rẻ, thoáng mát, an ninh… liên hệ anh P., số điện thoại 0908…” là thông tin dán đầy trên các cột điện, tường rào ở khu vực Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong vai người cần thuê nhà trọ, chúng tôi tìm đến căn nhà số 233/… Nguyễn Trãi, P.2 (Q.5, TP.HCM).
Trước nhà, một tấm biển hiệu hoành tráng ghi Công ty dịch vụ nhà đất môi giới bất động sản P.K. (CT P.K.). Trong nhà, bốn, năm thanh niên “choai choai” đang giới thiệu đủ loại nhà với nhiều giá khác nhau cho một số khách hàng; căn nào cũng được họ quảng cáo: đẹp, sạch, khu dân cư an ninh…
Muốn đến xem các căn phòng trên, người thuê phải đóng ngay 100.000đ phí dịch vụ. Chúng tôi chê đắt, một thanh niên tên P. thuyết phục: “Với chi phí này, anh sẽ được xem đủ loại nhà đến khi ưng ý thì thôi”. Chúng tôi đề nghị xem căn phòng giá 700.000đ/tháng, lập tức P. đưa chúng tôi đến một căn nhà cách đó khoảng 1km. Bên trong nhà, hàng chục căn phòng như những chiếc hộp rộng chưa tới 4m2 được quây bằng bốn tấm ván ép. P. chỉ một trong số “chiếc hộp” này và cho biết đây là căn phòng mà chúng tôi muốn thuê. Chúng tôi chê xấu, P. “ngửa bài”: “Thích thì thuê, không thì thôi”. Tôi đề nghị mở cửa phòng vào xem thì P. bình thản: “Phòng có người ở rồi, không có… chìa khóa, cứ nhìn bên ngoài rồi tưởng tượng ra thôi”. Tôi thắc mắc: nhà có người ở sao còn giới thiệu? P. nói: “Nếu anh thuê thì em kêu nó dọn ra chứ có gì đâu”. Tôi đề nghị P. đưa đi xem phòng khác, P. tỏ vẻ mệt mỏi: “Mai đi, bây giờ em mệt”. Ngày hôm sau, tôi gọi lại, P. nói ngắn gọn: “Anh đòi hỏi cao quá, em không có phòng đâu”, rồi tắt máy.
Tương tự, lần theo một tờ rơi dán trên cột điện gần Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chúng tôi đến CT dịch vụ nhà đất T.H. trong một con hẻm trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp). Bên trong căn nhà treo một tấm biển to tướng ghi đủ loại diện tích, giá cả các căn phòng cho thuê.
Chúng tôi đóng 80.000đ tiền phí dịch vụ, đề nghị được xem một căn phòng gần Trường Đại học Công nghiệp TP có giá một triệu đồng/tháng được giới thiệu hẻm rộng, thoáng mát, an ninh… H. đưa chúng tôi chạy vòng vo qua hai, ba con hẻm khá rộng nhưng đến con hẻm cuối cùng thì chật đến nỗi xe gắn máy chỉ có thể lưu thông một chiều.
Tôi bực mình: “Hẻm như vậy sao nói rộng?”. H. đáp tỉnh bơ: “Thì các con hẻm bên ngoài rộng đó. Nếu không muốn thuê thì về”. Tôi và H. tiếp tục đi sâu vào trong hẻm, đến một khu nhà lụp xụp. H. chỉ một căn phòng rộng khoảng 10m2, được ngăn sơ sài bằng vài tấm ván ép. Không chần chừ, tôi đồng ý thuê ngay.
Thế nhưng, thay vì vui mừng, H. chuyển sang truy vấn tôi: “Làm nghề gì, có hay về khuya không, có nấu ăn không, bà con có hay đến chơi không, để mấy xe…?”. Trước các điều kiện H. đặt ra tôi đều đồng ý. Bất ngờ trước sự dễ tính của tôi, H. im lặng một lúc rồi đặt thêm một điều kiện nữa: “Ở đây quy định tối ngủ… không được đóng cửa”. Tôi phản ứng, H. nói: “Quy định như vậy để chủ nhà có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Anh không chịu thì đừng có thuê”. Tôi bỏ cuộc, H. mừng ra mặt.
Kẽ hở quản lý trong môi giới bất động sản
Chỉ cần giở mục quảng cáo cho thuê nhà trên báo, mạng internet hay các rao vặt dán ở cột điện, khách thuê sẽ dễ dàng sập bẫy của những “cò” nhà trọ lên đời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất các dịch vụ cho thuê nhà trọ trên không có quỹ nhà trọ. Hàng ngày, nhân viên của các dịch vụ này đi quần đảo các con đường, ngõ hẻm, thấy chỗ nào treo biển cho thuê nhà trọ thì bắt mối với chủ nhà nhận làm dịch vụ giới thiệu nhà trọ để làm điểm dẫn khách đến xem, hưởng phí dịch vụ giới thiệu nhà.
Vì vậy, các dịch vụ này luôn tìm cách quảng cáo quá sự thật để dẫn dụ khách đến xem nhà, thu tiền phí dịch vụ nhưng không bao giờ muốn khách thuê được nhà. Bên cạnh đó, dù có cam kết dẫn khách đi tìm nhà trong vòng một tháng nhưng thu được tiền phí dịch vụ rồi thì nhân viên luôn tìm cách “cắt đuôi” mối cũ để “dụ” tiếp mối mới.
Trở lại hành vi lừa đảo của các dịch vụ trên, ngày 13/7, chúng tôi trình báo vụ việc đến UBND P.2 (Q.5). Chiều cùng ngày, UBND P.2 đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành kiểm tra hoạt động của CT P.K. Theo UBND P.2, kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, CT này có đầy đủ giấy tờ hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra cho thấy, ngành nghề kinh doanh của đơn vị này không phải là sản phẩm BĐS gì lớn lao mà chủ yếu là… giới thiệu và cho thuê phòng trọ.
Bà Trần Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND P.2 (Q.5) than: “Khó khăn hiện nay là do quy định về hoạt động kinh doanh BĐS quá rộng. Trong đó, nhà trọ cũng được xem là một sản phẩm BĐS mà các CT môi giới có quyền kinh doanh. Lợi dụng kẽ hở này, các “cò” nhà trọ đã lập ra CT môi giới BĐS nhưng chỉ để kinh doanh dịch vụ nhà trọ, chính quyền địa phương khó phát hiện để quản lý.
Trong khi đó, do giá trị giao dịch giữa hai bên không lớn nên khi bị lừa, khách hàng thường bỏ qua vì nếu khiếu nại có thể phải tốn kém nhiều hơn số tiền bị lừa”. Theo bà Dung, đối với CT môi giới BĐS, các cơ quan chức năng cần có quy định giới hạn giá trị sản phẩm họ được quyền kinh doanh, vì chỉ có “cò” làm ăn phi pháp mới lập CT môi giới BĐS để kinh doanh nhà trọ.
Có dấu hiệu phạm tội lừa đảo |
Theo Phụ nữ TP HCM