Cảnh báo từ cái vòng luẩn quẩn…
Sự chú ý này không còn tạo độ nóng đến độ sôi sùng sục khi giá nhà đất tăng từng ngày, thậm chí từng giờ như cách nay độ dăm mười năm, mà có vẻ như nó ngầm báo một cơn bão cực lớn sắp nổ ra ở thị trường này. Đó là hàng loạt những kẻ ngắn vốn, cạn vốn sẽ rời cuộc chơi khi đang ôm một đống hàng mà không có người mua, thậm chí là chỉ hỏi mua. Những kẻ trường vốn cũng sẽ lao đao.
Đáng lo hơn, trong sự ràng buộc về kinh tế, tất cả các sự kiện sẽ được xâu chuỗi với nhau, một mắt xích tuột ra, nguy cơ những mắt xích khác rơi rụng là điều khó tránh khỏi.
Khi lãi suất vay cho nhà đất lên trên 20% năm, mà vẫn không đủ tiền cho vay, và các ngân hàng lo ngại khi dư nợ nhà đất khổng lồ chưa thu hồi được, mắt xích nguồn vốn luân chuyển yếu hẳn đi. Mọi giao dịch, giống như nạn kẹt xe, từ vụ tắc nghẽn nhỏ dẫn đến hàng chục, hàng trăm, ngàn xe đủ các loại chen chúc nhau…
Các phương án tự cứu đã được những nhà kinh doanh bất động sản vạch ra, như khuyến mãi "khủng", cho khách hàng trả nhiều đợt, thậm chí chia ra hàng tháng với số tiền 6-8 triệu đồng, giảm giá… nhưng thị trường vẫn chìm lắng. Những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mà đủ tiền mua thì không nhiều. Những người có tiền mua lại đã mua rất nhiều nhà đất và trở thành người buôn địa ốc, nay cũng muốn đẩy hàng đi.Khi nhà đất bán chạy, giá tăng từng ngày, việc ngân hàng cho vay một cách dễ dàng là điều dễ hiểu. Cũng dễ hiểu với tình trạng trầm lắng này của thị trường bất động sản, các ngân hàng phải thận trọng. Họ phải bảo vệ mình trước hết. Chính vòng luẩn quẩn này đưa vấn đề đến chỗ bế tắc.
Nhìn xa hơn, thị trường nhà đất như con ngựa tự do phi nước đại đã cách đây mười mấy năm. Nay nó đã mỏi gối chồn chân, nếu không có những biện pháp mạnh sẽ có nguy cơ đột quỵ!
Theo Kinh Tế Đô Thị