Trong khi phân khúc biệt thự, nhà liền kề, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê phải vật lộn với việc giảm giá, cắt lỗ, thì chủ đầu tư phân khúc căn hộ dịch vụ lại bội thu, do công suất cao và giá tăng.
Tại Hà Nội, theo Savills Việt Nam, toàn thị trường ghi nhận tăng ở cả công suất và giá thuê trung bình. Công suất toàn thị trường đạt 82%, tăng 5,7 điểm phần trăm theo quý, trong khi giá thuê trung bình đạt 602.000 đồng/m2/tháng, tăng 3,2% theo quý.
Hạng B và hạng C đạt công suất cao nhất ở mức 91%, trong khi hạng A chỉ đạt 76%. Tuy nhiên, công suất của hạng A đã tăng 9 điểm phần trăm trong khi hạng B và C giữ nguyên. Giá thuê tăng ở cả 3 hạng, với mức tăng cao nhất của hạng A là 5%, tiếp đến là hạng C với tỷ lệ 1,8% và hạng B đạt tỷ lệ 0,5%. Theo địa bàn, Đống Đa tiếp tục là quận có công suất cao nhất với 100%, huyện Từ Liêm có công suất thấp nhất ở mức 40,7%.
“Phân khúc căn hộ dịch vụ cho thuê hoạt động sôi nổi là điểm sáng nhất trong quý II/2012, khi thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục”, đại diện Savills Việt Nam nhận xét.
Ngoài việc tăng công suất và giá thuê, phân khúc căn hộ dịch vụ còn ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu sử dụng căn hộ từ khách hàng. Nguồn cầu cho căn hộ dịch vụ trong quý II/2012 tăng 6% theo quý và tăng 7% theo năm. Đặc biệt, nguồn cầu của quận Cầu Giấy và Từ Liêm đã tăng mạnh 58% theo quý và 65% theo năm.
Tại TP.HCM, tình hình hoạt động của thị trường căn hộ dịch vụ ổn định so với quý trước. Công suất cho thuê của toàn thị trường đạt 84% và giá thuê trung bình là 490.000 đồng/m2/tháng. Hạng A tiếp tục hoạt động tốt nhất, với công suất cho thuê 91%; trong khi đó, công suất hoạt động của hạng B tăng 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, công suất cho thuê của hạng C giảm 3 điểm phần trăm. Khu vực trung tâm và khu đô thị mới gồm quận 2 và 7 tiếp tục hoạt động tốt. Công suất thuê trung bình của các quận này đạt hơn 85%.
Savills cũng ghi nhận, khu vực trung tâm TP.HCM có nhu cầu cao đối với căn hộ 1 và 2 phòng ngủ. Trong khi đó, quận 2 và 7 là khu vực được khách thuê dạng gia đình có con ưa thích. Điều này làm tăng nhu cầu đối với căn hộ 2 và 3 phòng ngủ.
Theo ông Trương An Dương, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, nguyên nhân khiến thị trường cho thuê tại TP.HCM sôi động là do nguồn khách hàng là các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Long An cũng là khách thuê dài hạn cho phân khúc căn hộ dịch vụ tại đây.
Ông Chris Brown, Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Vietnam phân tích, trong 10 năm qua, thị trường căn hộ cao cấp tại TP.HCM đã phát triển khá tốt, với tỷ lệ lấp đầy bình quân của các tòa nhà lên tới 90%. Trong dài hạn, đây vẫn là mảng đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các dự án bắt tay với các thương hiệu quốc tế.
Báo cáo của Savills cũng cho thấy, trong quý II, cả Hà Nội và TP.HCM đều không có thêm nguồn cung mới, thậm chí nguồn cung còn bị giảm.
Tại TP.HCM, không có dự án mới tham gia thị trường trong quý II. Tổng nguồn cung thị trường giảm 2% so với quý I, do một dự án bị bỏ ra khỏi thị trường. Tính đến quý II, TP.HCM có 61 dự án căn hộ dịch vụ, với 3.220 căn.
Tại Hà Nội, Savills ghi nhận tổng nguồn cung đạt gần 272.000 m2, giảm 1,2% so với quý I. Trong quý II, có 1 dự án đi vào hoạt động và 3 dự án khác tạm thời rút lui, do đang trong quá trình sửa chữa.
Còn theo nhận định của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, tiềm năng căn hộ dịch vụ của Việt Nam còn rất lớn do thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, thặng dư thương mại và tăng trưởng sản xuất lớn, tỷ lệ đô thị hóa cao và sự gia tăng lượng khách du lịch quốc tế. Thế nhưng, phân khúc này đang bị bỏ ngỏ, nguồn cung thiếu hụt lớn.
Theo Báo Đầu Tư