BĐS giá rẻ có thể phục hồi cuối năm 2013
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dự báo: "Với hàng loạt chính sách hỗ trợ, phân khúc bất động sản phổ thông có thể xuất hiện dấu hiệu phục hồi vào cuối năm".
Dù đánh giá cao tác động tinh thần của cú hích 30.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng gói tài khóa này chỉ có thể giúp địa ốc khởi động nhẹ trong năm 2013. Ảnh: Vũ Lê |
Căn hộ cao cấp có thể 'ngủ đông' đến năm 2015
Tại hội thảo ý nghĩa và tính thực tiễn của Nghị quyết 02 trong việc giải phóng hàng tồn bất động sản, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa phân tích, tính đến tháng 5/2013, các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đang đi đúng hướng. Những giải pháp hỗ trợ lãi suất, thuế và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng sẽ dần phát huy tác dụng trong 6 tháng cuối năm.
Theo ông Nghĩa, mấu chốt quan trọng là Chính phủ đã chấp nhận quan điểm bất động sản là thị trường nền tảng, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và có thể kéo theo nhiều ngành liên quan. Địa ốc được nhìn nhận không chỉ là thị trường ảnh hưởng đến hiện tại mà còn tác động mạnh mẽ đến tương lai. Một người vay mua nhà trả góp trong vòng 20 năm có nghĩa là chất lượng sống và sản phẩm của xã hội được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu và kích cầu cho hàng chục năm sắp tới.
Bên cạnh dự báo về thị trường bất động sản, chuyên gia tài chính này cũng đề cập đến một số rủi ro, khi kinh tế của năm 2013 chịu tác động bởi 3 yếu tố và có thể khiến kịch bản phục hồi của địa ốc thêm khó khăn. Thứ nhất, nếu không giải quyết được tình trạng đóng băng tín dụng theo hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì tốc độ phục hồi sẽ chậm lại. Trong trường hợp kịch bản này xảy ra, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đóng băng.
Thứ hai, xử lý nợ xấu gắn với nó là cơ chế bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng là một trong những khâu then chốt. Việc xử lý nợ xấu (trong đó phần lớn là bất động sản) nếu chậm thì cái giá phải trả cho ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ rất khó lường.
Thứ ba, giảm lãi suất phải đồng bộ với các biện pháp kích cầu khác, một mình lãi suất không thể xử lý được vấn đề của tổng cầu khi mà nút thắt tín dụng, phần lớn không phải do lãi suất mà là thị trường.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu nhận xét: "Các chính sách hỗ trợ thị trường bất đông sản hiện nay có tác động về mặt tinh thần là chính và chưa đủ sức giúp địa ốc phục hồi trong ngắn hạn".
Theo ông Châu, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng sẽ được dành để giải ngân cho người dân vay mua nhà là chính và chỉ nhắm đến người tiêu dùng có thu nhập khiêm tốn. Song chuyên gia này băn khoăn gói tài khóa khó có thể đến được với người thu nhập thấp vì họ không có tài sản để thế chấp.
"Ngân hàng cần linh hoạt hơn nữa khi tiến hành các thủ tục cho vay và tính đến việc miễn thế chấp tài sản. Ngoài ra, lãi suất 6% là lý tưởng lúc này nhưng sắp tới vẫn cần phải điều chỉnh thêm để hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa", ông Châu đề xuất.
Chủ tịch Công ty Hoàng Quân, Trương Anh Tuấn cho biết, quy mô của thị trường bất động sản rất lớn và có nhiều nhu cầu khác nhau. Vì vậy, 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà vẫn còn quá ít ỏi, chưa thấm vào đâu so với thị phần nhà ở thương mại giá rẻ còn rất mênh mông.
Theo ông Tuấn, với chính sách hiện nay khách hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 đều được cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có chủ đầu tư nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại được chuyển công năng thành nhà ở xã hội mới được vay vốn ưu đãi.
Do đó, ông Tuấn đề nghị bổ sung đối tượng là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có diện tích không quá 70 m2 với giá thành dưới 15 triệu đồng mỗi m2 được vay ưu đãi. "Mức lãi suất cho trường hợp nhà ở thương mại giá rẻ là không quá 8% một năm và chỉ định tất cả các Ngân hàng trên toàn quốc tham gia chương trình này", ông Tuấn đề xuất.
Theo VnE