BĐS cần phải giảm giá hơn nữa
Vay được không dễ
So với thời điểm cách đây vài tháng, các ngân hàng đã cởi mở hơn rất nhiều đối với doanh nghiệp BĐS. Lãi suất ngân hàng liên tục giảm, thậm chí nhiều ngân hàng đua nhau công bố các gói cho vay BĐS với lãi suất hấp dẫn, chỉ 13-14%/năm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ lại là chuyện khác. Hầu hết doanh nghiệp BĐS đều cho rằng các nguồn vốn rẻ gần như chỉ có trên lý thuyết. Muốn vay vốn doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận lãi suất trên dưới 20%/năm. Chưa kể để được vay vốn, phải là doanh nghiệp BĐS mạnh, dự án tốt…
Điều này gần như là “làm khó” doanh nghiệp trong thời điểm hàng tồn đọng quá nhiều, vốn để quay vòng thiếu.
Ngay cả các ngân hàng cũng đã thẳng thắn thừa nhận dù có tiền cũng chưa rộng cửa cho vay BĐS tại thời điểm hiện nay. Đại diện lãnh đạo Eximbank khẳng định ngân hàng này sẽ không bằng mọi giá để tăng dư nợ.
ACB cũng cho biết sẽ không rót vốn trực tiếp cho doanh nghiệp mà hỗ trợ thông qua các khách hàng, đặc biệt là lượng khách hàng thân thiết. Ngân hàng này cho rằng thời gian tới nguồn vốn cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư dự án mới hoặc tiếp tục hoàn thành các dự án dở dang trực tiếp từ ngân hàng sẽ bị tắc.
Do vậy, doanh nghiệp BĐS hãy tự cứu lấy mình bằng cách huy động vốn từ khách hàng. Tương tự, BIDV - ngân hàng đình đám với gói hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ đồng - cho biết sẽ không trực tiếp rót vốn cho các doanh nghiệp BĐS, mà sẽ hỗ trợ vốn thông qua gói liên kết 4 nhà: ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà sản xuất vật liệu xây dựng.
Trên thực tế, cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều đang “vướng” vào nhau trong vòng luẩn quẩn: thị trường yếu kém, hàng tồn kho gia tăng, doanh nghiệp không thể trả được nợ để vay tiếp. Còn ngân hàng dù muốn “mở hầu bao” nhưng lại e ngại khoản nợ cũ và thực lực doanh nghiệp yếu kém.
Điều này dẫn đến việc dù trần lãi suất hạ xuống 9%/năm - mức đáng mơ ước so với nhiều tháng trước - thì cục diện trên thị trường BĐS vẫn chưa có nhiều thay đổi và doanh nghiệp vẫn lâm vào tình cảnh chờ vốn như “nắng hạn chờ mưa”.
Muốn “sống” phải đón đầu
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nút thắt chung của nền kinh tế cũng như dòng vốn của BĐS nằm ở nợ xấu. Nợ xấu như chiếc xe lật chắn ngang đường làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông. Vì nợ xấu mà ngân hàng chờ doanh nghiệp mang đồng vốn lưu động để trả vào ngân hàng, rồi sau đó ngân hàng không cho vay lại. Cũng vì nợ xấu mà ngân hàng dù có tiền nhưng không dám cho vay, dẫn đến cửa chết với doanh nghiệp.
Tín hiệu đáng mừng của thị trường là rất nhiều doanh nghiệp đã thấu hiểu được điều này và đang đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm để khơi thông dòng chảy tín dụng. Trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, hàng loạt dự án căn hộ đã được chủ đầu tư tung ra trên thị trường BĐS Hà Nội.
Đặc biệt đã xuất hiện nhiều dự án với diện tích căn hộ nhỏ và giá chỉ ở mức 14-15 triệu đồng/m2. Sự chủ động này của các doanh nghiệp BĐS cũng được thể hiện rõ qua việc tích cực liên kết với ngân hàng để hỗ trợ người mua nhà, hoặc tung ra các chiêu khuyến mại hấp dẫn.
Sôi động nhất phải kể đến khu vực phía Tây Hà Nội với hàng loạt dự án chào bán trong vòng 1 tháng qua. Dự án Golden Land tại số 275 Nguyễn Trãi được chủ đầu tư tặng kèm ô tô trị giá 450-600 triệu đồng. Dự án Golden Palace Mễ Trì do CTCP được BIDV tài trợ vốn lên đến 85% giá trị hợp đồng với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay đến 15 năm.
Dự án The Sun Garden tại Phùng Hưng, Hà Đông có mức giá 14,2 triệu đồng/m2 vừa được sàn Maxland tung ra thị trường. Hay chung cư Đại Thanh tại Xa La cũng được bán với giá từ 14 triệu đồng/m2...
Một doanh nghiệp BĐS vừa quyết định tung sản phẩm ra thị trường với mức giá thấp hơn giá dự kiến ban đầu, cho rằng nói doanh nghiệp đại hạ giá sản phẩm là hơi quá, nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay không thể trông đợi vào các chính sách của Nhà nước để giải quyết hàng tồn cho mình.
Vì thế, đã đến lúc doanh nghiệp BĐS phải tập làm quen với các chương trình “sale off” như các hàng hóa khác trên thị trường.
Rõ ràng, dù chưa thật mạnh mẽ, thị trường BĐS đã có những phản ứng đầy tích cực với các chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, tư duy của các doanh nghiệp BĐS đang dần có những bước thay đổi.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, điểm cốt lõi nhất trên thị trường bây giờ là dọn dẹp lượng lớn BĐS đang tồn kho chưa bán được. Một khi vấn đề này được giải quyết xong, thị trường sẽ sớm hanh thông trở lại. Với những tín hiệu đáng mừng đang diễn ra, nhà đầu tư có lý do để kỳ vọng vào sự hồi phục và khỏe mạnh hơn của thị trường BĐS trong thời gian sắp tới.
Một số đề xuất cứu thị trường của Bộ Xây dựng
- Thành lập Ngân hàng Xây dựng để tài trợ cho nhà đầu tư BĐS và vật liệu xây dựng.
- Trình Chính phủ 2 đề án: Quỹ Tiết kiệm hỗ trợ cho người nghèo mua nhà và Quỹ Tiết kiệm cho những người trung lưu tự gửi với nhau để mua nhà.
- Dự thảo về Chương trình phối hợp hành động giữa Bộ Xây dựng và 2 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM) đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở, trong đó có hành lang pháp lý để phát triển nhà cho thuê, khơi thông đầu ra cho thị trường.
- Đưa BĐS vào Nghị quyết 13 (được hưởng những giải pháp tháo gỡ trong Nghị quyết này), đưa một số giao dịch BĐS vào diện được miễn - giảm VAT, hỗ trợ đối với các giao dịch lần đầu.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay còn 120.000 tỷ đồng/180.000 tỷ đồng trong kế hoạch phải chi. Số tiền này khi bơm ra thị trường (chủ yếu đầu tư vào hạ tầng) sẽ tạo nhiều hiệu ứng tốt. Ngoài ra, trong kế hoạch giải ngân vốn năm nay vẫn còn 38.000 tỷ đồng huy động từ trái phiếu chính phủ, vốn tạm ứng của năm 2013, cùng 17.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác... Như vậy, từ nay đến cuối năm, lượng tiền sẽ cho ra thị trường là 500.000 tỷ đồng sẽ kích thích các thị trường phát triển.
Theo ĐTTC