Bất động sản vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy
Ngoài những dãy nhà liền kề hay biệt thự trống hoác đã xây xong phần thô đang nằm "hóng gió"...Khung cảnh buồn bã khiến các nhà đầu tư không khỏi chạnh lòng và lo lắng không biết tới khi nào mới trở lại... ngày xưa. Bất động sản vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy giảm giá, vắng khách.
Lãi suất đã giảm, nhiều ngân hàng mời gọi người dân, nhà đầu tư vay tiền mua nhà. Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi vẫn tiếp diễn. Người mua vẫn kỳ vọng giá bất động sản còn tiếp tục giảm. Điều này gây sức ép rất lớn lên các dự án nhà ở, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc tiếp tục giảm giá hoặc đưa ra các hình thức hỗ trợ người mua nhà.
Vắng như "chùa bà Ðanh"
Chỉ mất chừng 2 giờ đồng hồ xe chạy từ Cầu Giấy (Hà Nội), theo đường 32 lên tới Sơn Tây và quay ngược trở lại về trung tâm thành phố theo Đại lộ Thăng Long, người ta đã có thể thu nhận bức tranh rõ nét về thị trường bất động sản hiện nay. Nếu 2 năm trước, đây là khu vực mua bán nhộn nhịp nhất toàn miền Bắc thì nay, người ta chỉ thấy các khu đô thị, khu nhà ở vắng như "chùa bà Đanh". Ngoài những dãy nhà liền kề hay biệt thự trống hoác đã xây xong phần thô đang nằm "hóng gió", hầu hết các khu này đều có rất ít hoạt động xây dựng. Khung cảnh buồn bã khiến các nhà đầu tư không khỏi chạnh lòng và lo lắng không biết tới khi nào mới trở lại... ngày xưa.
Cập nhật mới nhất từ các công ty tư vấn bất động sản cho thấy, thị trường vẫn chưa có các dấu hiệu phục hồi tích cực. Báo cáo thị trường quý II của Công ty tư vấn CBRE Việt Nam cho thấy, đất dự án đang là lĩnh vực "kẹt" nhất về thanh khoản dẫn đến áp lực giảm giá rất lớn. Tính tới tháng 6/2012, giá chào bán thứ cấp của các dự án đều tiếp tục sụt giảm tiếp từ 10-30% so với quý I. Khu phía Tây gồm các quận huyện Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức đã giảm từ 5-25%; khu vực Hà Đông mức giảm khoảng 20%, khu Long Biên mức giảm khoảng 10%. Mất giá mạnh nhất là khu Mê Linh với mức giảm khoảng 30%. Ông Nguyễn Thanh Quang, một nhà đầu tư ở Hà Nội than thở: "Các nhà đầu tư đang găm giữ đất dự án tiếp tục cắt lỗ, thoát khỏi thị trường. Đó là nguyên nhân chính khiến giá cả ngày càng sụt giảm. Ở phía khác, những người có nhu cầu ở thực sự lại rất e ngại giá sẽ còn giảm tiếp và không để ý đến các dự án đang xây dựng dở dang vì lo ngại rủi ro". Đưa ra các thông tin tương tự, Savills Việt Nam cho biết, giá đất biệt thự, liền kề tại Hà Nội đã giảm khoảng 20% so với quý IV-2011. Với thị trường chung cư, giá chênh mỗi căn hộ đã giảm từ 5 - 10% . Cụ thể, căn hộ CT4 Xa La đang nhận nhà chỉ còn 19-21 triệu đồng/m2. Chung cư Hà Đông trung bình giảm từ 1 đến 3 triệu đồng/m2. Một số dự án ở Trung Hòa Nhân Chính đầu quý chào bán khoảng 36-37 triệu mỗi m2 nay chỉ còn 29 - 30 triệu đồng. Làng quốc tế Thăng Long từ 39 triệu đồng nay chỉ còn 37 triệu...
Tiếp tục giằng co
Theo các nhà tư vấn bất động sản chuyên nghiệp, lãi suất giảm và chính sách tín dụng nới lỏng hơn khiến một bộ phận người dân bắt đầu quan tâm tìm hiểu cơ hội vay tiền mua nhà. Song, tác động của các biện pháp điều hành vĩ mô nói trên chưa lớn. Người mua vẫn còn tâm lý chờ đợi các dấu hiệu hồi phục rõ rệt hơn của thị trường cũng như nền kinh tế. Đại diện CBRE Việt Nam nhìn nhận, xu hướng giằng co này đã đẩy các chủ đầu tư vào tình cảnh phải tư duy dài hạn về thị trường, tức là muốn bán được hàng bắt buộc phải đầu tư hoàn thiện sản phẩm, cơ sở hạ tầng và tiện ích dịch vụ. Tuy nhiên, đây là điều gần như không thể trong bối cảnh hiện nay, khi mà phần lớn doanh nghiệp bất động sản đã kiệt quệ sau 18 tháng liên tục phải chống đỡ với chính sách thắt chặt tín dụng.
Đáng chú ý, trong lúc thị trường rất khó tìm người mua, lượng hàng mới vẫn tiếp tục được tung ra. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ có thêm 9.400 biệt thự, nhà liền kề được hoàn thiện. Đây là con số rất lớn so với tổng 11.000 căn đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong 7 năm, từ 2004 đến 2011. Dù sẽ có đến 30-40% trong số 9.400 căn sẽ không đảm bảo tiến độ do các chủ đầu tư đã hụt hơi, song dù chỉ thêm vài nghìn căn cũng tạo nên sức ép vô cùng lớn cho thị trường.
Hỗ trợ lãi suất
Trong khi nhiều chủ đầu tư lựa chọn cách "chiết khấu" trực tiếp cho khách hàng vào giá bán, một số khác lại thu hút nhà đầu tư bằng chiêu hỗ trợ lãi suất. Đầu tháng 7-2012, chủ đầu tư dự án Ecopark - Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng - cho biết, từ ngày 1-7 đến ngày 21-9-2012, khách hàng mua căn hộ chung cư, nhà liền kề, biệt thự tại dự án Ecopark đều được hưởng mức lãi suất hỗ trợ từ Vietcombank là 8% trong vòng một năm. Trong giai đoạn tiếp theo, từ ngày 22-9 đến ngày 31-12-2012, khách hàng làm thủ tục vay mua sản phẩm tại Ecopark sẽ áp dụng lãi suất công bố của Vietcombank và hưởng gói hỗ trợ 4% của chủ đầu tư trong vòng một năm. Thời gian vay kéo dài 15 năm và hạn mức vay tối đa lên tới 90% giá trị hợp đồng đối với tài sản thế chấp khác và 70% giá trị đối với tài sản hình thành từ vốn vay. Đây là nỗ lực lớn của chủ đầu tư nhằm mang lại cơ hội cho khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở.
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tân Hoàng Minh Group cũng đã tổ chức Ký kết hợp đồng hỗ trợ tín dụng cho khách hàng mua căn hộ dự án D’.Palais de Louis. Theo đó, khách hàng mua căn hộ dự án D’.Palais de Louis có nhu cầu vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền mua căn hộ sẽ được BIDV và Tân Hoàng Minh hỗ trợ nhiều ưu đãi như hưởng lãi suất vay hấp dẫn, chỉ 7%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên đối với khách mua căn hộ có diện tích từ 190 m2 trở lên (áp dụng cho lần thanh toán đầu tiên) và 9%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên đối với khách mua căn hộ có diện tích dưới 190 m2 (áp dụng cho lần thanh toán đầu tiên).
Thời hạn vay cũng lên đến 15 năm, thời hạn trả gốc và lãi ưu đãi linh hoạt. Khách hàng chỉ bắt đầu trả nợ gốc sau 18 tháng tính từ khi khoản vay được giải ngân lần đầu tiên (tương đương với thời điểm khách hàng được nhận bàn giao căn hộ). Chương trình ưu đãi áp dụng đối với các khách hàng đăng ký mua căn hộ đến ngày 31-12-2012. Ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngoài dự án của Tân Hoàng Minh, BIDV còn tiếp nhận nhu cầu vay vốn mua nhà tại nhiều dự án thương mại khác. Ngoài ra, BIDV cũng chú trọng tới khách hàng tại các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Rõ ràng, các doanh nghiệp bất động sản đang sẵn sàng làm tất cả để không bị "chìm" trong dòng xoáy suy giảm.
Theo DĐDN