Bất động sản khởi sắc nhờ ngân hàng tiếp sức
Nhờ sự tiếp sức Ngân hàng mà nhiều nhà đầu tư đã được giải thoát khỏi tình cảnh phải bán tống bán tháo bất động sản để trả nợ vay. Điều này phần nào đem lại kỳ vọng về khả năng ấm lên thị trường trong thời gian tới.
Khách hàng đã được đáo hạn
Sau khi ngân hàng nhà nước đưa ra quyết định nới tín dụng cho một số khoản mục đầu tư bất động sản. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái ngược nhau khi bình luận về các động thái này của Ngân hàng nhà nước.
Nhưng điều không thể phủ nhận rằng, việc các ngân hàng tiếp tục được bơm vốn cho bất động sản đã tạo cú hích lớn, giải tỏa tâm lý cho các nhà đầu tư, người mua nhà vốn đang căng như dây đàn khi thời gian đáo nợ đang đến gần. Đặc biệt, thông điệp Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ II Quốc hội lần thứ XIII về việc Chính phủ sẽ có giải pháp cứu thị trường bất động sản và chứng khoán lại càng làm cho giới đầu tư kỳ vọng.
Thực hiện yêu cầu Ngân hàng nhà nước, tuần qua một số ngân hàng thương mại đã quyết định hạ lãi suất cho vay mua bất động sản nhằm kích cầu thị trường vốn đang èo uột. Điển hình ngân hàng Ocean bank vừa có thông báo tới khách hàng về việc hạ lãi suất cho vay xuống 19%/năm. Ngay sau đó, ngân hàng An Bình cũng đưa ra chính sách mới hỗ trợ ngân hàng mua nhà bằng cách kéo dài thời gian vay và ân hạn cho khách hàng…..
Điều này không chỉ giúp khách hàng có cơ hội vay tiền để thanh toán các khoản tiền đóng tiến độ cho các dự án đang triển khai mà nó còn tạo cơ hội cho khách hàng được đáo nợ.
Với việc hoàn thiện hạ tầng, khu đô thị Văn Phú hiện đã thu hút được lượng lớn người dân về sinh sống |
Chị Hoài Anh (nhà đầu tư bất động sản) cho biết, chị đang có khoản nợ gần 3 tỷ đồng tại ngân hàng Vietcombank sắp đến thời điểm thanh toán. Cách đây 2 tháng, chị đã phải ráo riết tìm khách để bán bất động sản lấy tiền trả nợ cho ngân hàng tuy nhiên do thị trường quá ế ấm, hàng không bán được vì vậy chị buộc phải tiếp tục gõ cửa vay ngân hàng nhưng khi mang hồ sơ đến các ngân hàng thì chị đều nhận được câu trả lời là “ngân hàng dừng cho vay bất động sản”. Tuy nhiên, chỉ sau khi ngân hàng nhà nước phát đi tín hiệu cho vay mua nhà, chị đã có thể thế chấp sổ đỏ để vay tiền tại ngân khách khác để trả khoản nợ vay ngân hàng Vietcombank. Thậm chí, nhờ vậy chị cũng thoát khỏi cách phải bán tống bán tháo bất động sản để trả nợ nữa.
“Cách đây hơn 1 tháng, tôi chấp nhận bán rẻ đi 15 triệu đồng/m2 một lô đất dự án Geleximco (Lê Trọng Tấn) thế nhưng chào bán mãi không có người mua. Vừa rồi, tôi đã vay được tiền để trả nợ vì vậy mà tôi có thể vẫn tiếp tục giữ bất động sản chờ thị trường tốt lên mới bán bởi bán lúc này thì quá thiệt” chị Hoài Anh cho biết. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hết sức để tìm mọi các giúp khách hàng giãn nợ trong đó biện pháp hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, kéo dài thời hạn trả nợ… là một trong những thượng sách bởi chẳng ngân hàng nào muốn chết chìm cũng khách hàng trong lúc này nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với lộ trình tái cơ cấu ngân hàng.
Nhiều gia đình đang cấp tập sửa sang nhà cửa đón Tết
Anh Đức Ân – nhà đầu tư cho biết, thời gian vừa qua các nhà đầu tư bất động sản đã phải chịu nhiều áp lực. Họ không chỉ lo khoản trả nợ ngân hàng mà còn phải đối lo khoản phạt lãi suất do chậm trả tiền. Thông thường các ngân hàng thương mại đưa ra các mức phạt khá nặng cho khách hàng. Nếu để quá hạn không trả khách hàng sẽ phải chịu mức phạt 150% năm. Tính ra, nếu vay lãi suất 24%/năm thì khách hàng sẽ phải trả thêm khoản 12% tiền phạt lãi suất. Như vậy, ngoài việc khách hàng lo trả lãi lại phải cõng thêm khoản phạt trả chậm nữa.
Không chỉ khách hàng mà các chủ đầu tư dự án cũng “mở cờ trong bụng” sau khi ngân hàng mở van tín dụng, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản (xin được giấu tên) cho biết, trước đó, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua dự án nhưng khi có lệnh cấm vay bất động sản thì việc rót vốn gần như ngưng trệ. Tuy nhiên, khi van tín dụng được phép mở các khách hàng mua dự án tiếp tục nhận được sự hỗ trợ với mức lãi suất chỉ khoản 18,5%-19%/năm với điều kiện khách hàng thế chấp hợp đồng mua bán nhà ở thuộc dự án. Ngoài ra, ngân hàng cũng đồng ý kéo dài thêm thời hạn trả nợ từ 15 năm lên thành 20 năm cho khách hàng.
Nhiều phân khúc bất động sản kỳ vọng sôi động
Với sự nỗ lực phía ngân hàng và chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt ra nhiều kỳ vọng vào sự chuyển biến của thị trường trong thời gian tới.
Khảo sát tại một số chợ đất lớn tại Hà Nội, PV ghi nhận giá đất tại một số dự án bất động sản lớn đặc biệt dự án đang trong quá trình hoàn thiện hoặc đã bàn giao nhà nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Giao dịch mua bán cũng đã bắt đầu rậm rịch chuyển động từ hai tuần nay đặc biệt những lô đất có giá cạnh tranh đã được các văn phòng nhà đất mua vào.
Đơn cử, như dự án Văn Khê giá bán hiện khoảng trên 75-77 triệu đồng/m2; dự án An Hưng giá liền kề 62- 64 triệu đồng/m2 loại đường bé, tùy lô. Đường to trên 70 triệu đồng/m2, biệt thự giao động khoảng 52-55 triệu đồng/m2. Dự án Văn Phú đường to 40 m2 khoảng 130 triệu đồng/m2, đường 17,5 m2 giá 65-68 triệu đồng/m2, đường nhỏ khoảng 55 triệu đồng/m2…
Hà Nội đang rất thiếu khu đô thị hoàn chỉnh hạ tầng
Anh Nguyễn Văn Mạnh (Giám đốc văn phòng nhà đất Đại Phát - Lê Trọng Tấn) cho biết, thị trường sau thời gian dài trầm lắng, giảm giá khá sâu đã bắt đầu có giao dịch trở lại. Cuối tuần trước, văn phòng anh vừa giao dịch thành công 1 lô đất thuộc dự án Văn Phú với mức giá trên 60 triệu đồng. Lô đất này nếu bán khi thị trường sốt nóng, giá trị khoảng gần 7 tỷ đồng nhưng hiện tại giá đã giảm khoảng 1 tỷ đồng vì vậy với người mua nhà ở thực thì thời điểm này đang là cơ hội tốt bởi bất động sản đã trở về vùng giá rất hấp dẫn.
Theo anh Mạnh, hầu hết những người mua nhà thời điểm này đều là mua để ở, khách mua đầu tư rất ít vì vậy họ thường lựa chọn dự án đã hoàn chỉnh phần xây thô hoặc dự án đã và sắp bàn giao nhà bởi giá nhà hiện đã ở mức quá rẻ. Còn những dự án vẫn chưa hoàn thành xong giải phóng mặt bằng hoặc dự án chưa xây dựng hạ tầng thì gần như giao dịch “bất động”.
“Tâm lý mua bất động sản của dân đã thay đổi rất nhiều trong thời gian vừa qua. Họ không còn thích mạo hiểm lướt sóng cùng những dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý nữa mà họ thận trọng hơn khi lựa chọn dự án có độ an toàn cao và chấp nhận lợi nhuận có phần kém hơn. Thậm chí, với nhiều người họ cũng đã đặt ra bài toán trong trường hợp thị trường xấu không thể thanh khoản được chí ít cũng có thể khai thác cho thuê lại để đồng vốn không bị “chết”. anh Mạnh cho biết.
Chính vì vậy, mà những dự án hoàn chỉnh là một trong những phân khúc được kỳ vọng nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, tại Hà Nội những dự án đã đi vào hoàn thiện là không nhiều đơn cử chỉ tính riêng quận Hà Đông có đến gần 60 dự án bất động sản nhưng đa phần là chung cư cao tầng còn dự án đô thị mới đã đi vào hoạt động chỉ tính trên đầu ngón tay.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, việc Chính phủ quyết tâm điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản chuyển động trở lại. Thời điểm này là thời điểm thích hợp cho những người có nhu cầu thực mua nhà bởi giá bất động sản đã về vùng giá rẻ và khó có thể giảm sâu thêm như kỳ vọng của nhiều người nhất là khi áp lực tài chính đã được giải quyết ổn thỏa.
Theo Vnmedia