“Tung chiêu” để tự cứu mình
Thị trường ảm đạm, giao dịch trầm lắng đang ngày càng tạo thêm áp lực với những chủ đầu tư có dự án bất động sản. Muốn vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngoài việc phải đổi mới chất lượng, tạo sản phẩm khác biệt thì việc giảm giá thành, chiết khấu sản phẩm nhằm “hút” cầu đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng.
Đua nhau giảm giá, chiết khấu
Hàng loạt dự án BĐS tại Hà Nội đều đã được chủ đầu tư giảm giá, chiết khấu từ 5 đến10% để “câu” khách như: Indochina Plaza ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Mulbery Lane ở Mỗ Lao, Hà Đông… Không chỉ thế, việc miễn phí quản lý chung cư cho khách trong những năm đầu sử dụng hoặc giãn tiến độ thanh toán tiền mua căn hộ cũng là những chiêu” được chủ đầu tư tung ra trong thời buổi thị trường ảm đạm, khó khăn này.
Giảm giá, chiết khấu đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng
để "hút" cầu trong thời buổi khó khăn.
để "hút" cầu trong thời buổi khó khăn.
Mới đây, chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Rừng cọ Ecopark đã đưa ra chương trình ưu đãi hấp dẫn với mức chiết khấu tới 10% cho khách hàng mua căn hộ tại dự án trong thời gian diễn ra chương trình cũng chỉ với mục đích “hút” cầu.
Việc gián tiếp tung chiêu hạ giá để có thể bán được nhiều hàng cũng đã được chủ dự án Time City nằm trên đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội áp dụng có vẻ khá hiệu quả. Không chỉ đưa ra các mức chiết khấu khác nhau từ 2 đến 5%, chủ dự án này còn bỏ nguyên tắc điều chỉnh giá trị thanh toán theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, dù giá cả có biến động thế nào thì từ khi mua đến khi bàn giao nhà thì giá bán căn hộ tại dự án này vẫn được giữ nguyên trong suốt thời hạn thanh toán.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, đó chính là câu chuyện chiến lược của chủ đầu tư. Một dự án trước khi bung ra thị trường người ta cũng phải có những bước thăm dò như suất ngoại giao, suất vip, suất đối nội. Đây là kênh thông tin không chính thức ra ngoài thị trường, chủ đầu tư có thể thông qua những suất đối nội để biết rằng giá lên là bao nhiêu hợp lý, thời điểm nào bung hàng.
Tương lai vẫn có thể giảm giá
Đó là lời khuyên của ông Cường đối với những doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong thời buổi khó khăn này. Có lẽ, câu chuyện giảm giá sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi đó là cách để doanh nghiệp “hút” cầu, xả hàng, thu hồi vốn để có thể tự cứu mình.
Theo ông Cường, nhu cầu thực về BĐS luôn luôn có, nó biến thiên từ thấp đến cao không bao giờ dừng lại. Trong bối cảnh ảm đạm, kém thanh khoản thì nhu cầu thực vẫn luôn cao bởi lẽ người đã có nhà, có tiền thì muốn thay đổi chỗ ở từ nhỏ sang chỗ lớn hơn, từ ngõ ngách, xa trung tâm tới nơi có vị trí địa lý đẹp hơn, thuận tiện cho việc di chuyển. Còn đối với những người chưa có nhà phải đi thuê thì nhu cầu về nhà ở luôn luôn hiện hữu.
Nhận định về thị trường BĐS thời gian tới, ông Cường cho hay, thị trường càng khó khăn thì áp lực với chủ đầu tư có dự án càng lớn, muốn vượt qua khó khăn như vậy phải đổi mới chất lượng, tạo sản phẩm khác biệt và giảm giá thành sản phẩm. Trong một thời điểm hàng ra càng nhiều, cung càng nhiều, quyền lựa chọn của người mua càng phong phú, việc giao dịch càng bị hạn chế so với thời điểm người mua ít hàng. Thời điểm nhiều sản phẩm tham gia chào bán một lúc, việc hỗ trợ bán hàng, ưu đãi về các hoa hồng, phí về quản lý hay giảm tiến độ nhiều lần không tính lãi hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của chủ đầu tư.
“Thị trường nhà miền Bắc khác miền Nam, “đắt bán chơi, rẻ để đấy” nhưng cũng có thể có doanh nghiệp nóng vội bán đi. Hy vọng văn hóa kinh doanh đó sẽ có màu sắc khác miền Nam”- ông Cường cho hay.
Theo Lao động