“Thủ đô nên nhường quyền phát triển đô thị cho các tỉnh”
Theo KTS Trần Trọng Hanh, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: "Hà Nội nên nhường sự phát triển Thủ đô cho các tỉnh lân cận". Ảnh: Tùng Nguyễn |
“Với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, Thủ đô không nên phát triển quá tập trung, quá nhiều mà nên áp dụng mô hình phi tập trung.
Có nghĩa là phải nhường quyền phát triển Thủ đô cho các tỉnh xung quanh, trên cơ sở xây dựng các kết cấu hạ tầng diện rộng”, KTS Trần Trọng Hạnh, trao đổi về quy hoạch các khu đô thị của Hà Nội.
* Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển và đang tiến hành điều chỉnh cục bộ các khu đô thị. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Hiện nay tôi lo nhất là hiện tượng đô thị rỗng. Đô thị rỗng là: chia lô bán nền và tỷ lệ đất thương mại dùng cho công cộng không nhiều. Hiện có dự án lên tới 40-50%, thậm chí là 60-70% dẫn đến tình trạng thiếu trường học, nhà trẻ, cây xanh, kết cấu hạ tầng và không gian công cộng… Đây là mối lo nhất hiện nay.
Việc cải tạo trong đô thị cũ hiện nay cũng đang xảy ra tình trạng như vậy. Nếu Hà Nội không có một chiến lược cải tạo một đô thị 1,000 năm lịch sử thì có thể biến toàn bộ khu phố cũ, cổ hiện có trở thành một mối xung đột, mâu thuẫn rất lớn trong tương lai về điện, nước, giao thông…
* Vậy theo ông, khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ của các khu đô thị thì nguyên tắc nào cần đặt lên hàng đầu?
Việc điều chỉnh cục bộ chỉ nên làm khi đầy đủ lý do cần thiết và phải giải trình được việc đó. Một yêu cầu đặt ra khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ của các khu đô thị là toàn bộ quy hoạch cũ khi được phê duyệt có thể chỉ đúng được một số phần. Bây giờ trong quá trình tổ chức thực hiện, phát hiện ra những quyết định trước đây là sai sót và cơ sở khoa học thì cần phải điều chỉnh lại.
Thứ 2, mỗi khu đô thị như một thể thống nhất, một cơ thể sống cho nên việc điều chỉnh không được vi phạm bất kỳ một nguyên tắc nào về cơ cấu quy hoạch. Việc đó cũng giống như việc không thể lấy phần đầu để đưa xuống phần bụng được hoặc chân tay ở dưới lại lấy đưa lên trên. Hiện nay rất nhiều nơi điều chỉnh theo nguyên tắc này, việc này sẽ gây tổn hại rất lớn. Khi đặt sai vị trí thì linh kiện này sẽ làm hại linh kiện kia.
Thứ 3 là đã điều chỉnh thì phải tốt hơn, chứ còn điều chỉnh để đáp ứng chỉ tiêu, chất lượng cuộc sống, quy hoạch thì không nên.
Trong quy hoạch các khu đô thị tại Hà Nội hiện nay, ông Hanh lo ngại nhất tình trạng các khu đô thị rỗng. |
* Hiện nay đang có sự mâu thuẫn rất lớn giữa hạ tầng và đầu tư xây dựng trong các khu được chọn xây dựng các đô thị. Vậy theo ông nên áp dụng phương án nào trong các đô thị lõi?
Việc này rất đơn giản, nếu có nhận thức đúng. Ví dụ trong quy hoạch chung của Thủ đô hiện nay đang vươn tới một khu đô thị khổng lồ cho nên chỉ có phát triển một cách hài hòa. Nền kinh tế nào thì phải tương ứng với một mô hình vì đô thị là hình chiếu của hình thái kinh tế xã hội đó.
Với mức độ phát triển đô thị như hiện nay và tình hình chung của kinh tế xã hội thì điều quan trọng nhất là đừng phát triển nóng mà hãy coi trọng sự phát triển bền vững, hài hòa giữa ba mặt: kinh tế - xã hội - môi trường thì mới giải quyết được vấn đề này. Còn có huy động vốn bao nhiêu cũng không đủ với mức độ tăng trưởng.
Thứ hai, tôi cho rằng Thủ đô không nên phát triển quá tập trung, quá nhiều mà phải áp dụng mô hình phi tập trung. Có nghĩa là phải nhường quyền phát triển thủ đô cho các tỉnh xung quanh, trên cơ sở xây dựng các kết cấu hạ tầng diện rộng.
* Ông cho rằng, Thủ đô nên nhường quyền phát triển cho các tỉnh xung quanh. Vậy, Thủ đô sẽ được và mất gì khi nhường quyền đó?
Việc nhường quyền phát triển Thủ đô cho các tỉnh xung quanh là để tạo ra một trục giao thông "con lắc". Điều đó có nghĩa là người Vĩnh Phúc, người Bắc Ninh trong giao thông con lắc 30 phút người ta có thể về Thủ đô làm việc. Với việc nhường quyền phát triển Thủ đô cho các tỉnh xung quanh, người dân có thể mua nhà rẻ hơn, giá đất cũng giảm đi.
Đây là cách tốt nhất, còn bây giờ dù có bao nhiêu biện pháp tăng vốn mạnh cũng không thể kịp giải phóng mặt bằng, có đầu tư cũng không chạy kịp tốc độ tăng trưởng.
Theo Vnmedia