“Doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận hy sinh”
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, bất động sản không còn cách nào khác là phải trở về giá trị thực. |
Xung quanh vấn đề này, VnEconomy đã trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
* Ông nhìn nhận thế nào về văn bản của Ngân hàng Nhà nước vừa qua về chủ trương nới tín dụng cho 4 nhóm bất động sản?
Đó là quyết định rất cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay, đồng thời cũng là hoạt động bình thường trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Tất nhiên, với khá nhiều điều kiện ràng buộc như vậy thì việc “thả” ra như thế thì cũng chỉ góp phần tạo điều kiện cho một bộ phận người dân có nhu cầu cấp thiết trong mua bán, sửa chữa nhà cửa.
Còn nói để giải quyết, khơi thông cho thị trường bất động sản thì chính sách đó cũng không có nhiều tác dụng vì số lượng rất thấp, đối tượng lại khá hẹp.
* Với khá nhiều điều kiện ràng buộc như vậy, có những ý kiến cho rằng, đó là động thái nới “nửa vời” của Ngân hàng Nhà nước?
Tôi cho rằng không phải là nới nửa vời đâu, vì Ngân hàng Nhà nước sợ lượng tiền tung ra lớn cũng khó kiểm soát, tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, thanh khoản của ngân hàng thực tế hiện nay cũng rất khó khăn, sức chỉ đến thế thôi.
Nhưng cũng không loại trừ việc Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho các ngân hàng thương mại hợp thức hóa dư nợ phi sản xuất về mốc 16% vào cuối năm?
* Có những doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nếu họ “sắp chết” mà không cứu thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế?
Đó cũng là một vấn đề, nhưng muốn giải quyết cho mỗi ngân hàng hay doanh nghiệp thì không được. Chính sách cũng phải hướng đến người dân, phải hài hòa các lợi ích chung.
Bất động sản không còn cách nào khác là phải trở về giá trị thực. Thị trường hiện gần như đang bong bóng, nếu mình bơm thêm vốn thì chắc chắn sẽ bục ngay.
Các doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thôi, vì nếu bơm thêm vốn sẽ lôi kéo cả thị trường theo một ảo tưởng mới. Chủ doanh nghiệp bất động sản từng là những người giàu nhất nước, là những doanh nghiệp siêu lợi nhuận, lại được ngân hàng ưu ái, nên giờ giảm giá thì cũng chỉ là chia sẻ lợi nhuận mà thôi.
Giá đang lơ lửng ở trên cao mà phải bắt người dân theo anh thì không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào làm ăn đứng đắn thì có thể xem xét. Còn lại, phải chấp nhận "hy sinh". Quan điểm của chúng tôi là phải để cho thị trường này “xì hơi’ dần dần thì mới mong cứu vãn được, và người mua nhà cũng được lợi.
* Có ý kiến cho rằng, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cũng không quá khó để “lách” điều kiện về thời gian trong quy định, thông qua việc sửa lại thời gian ký hợp đồng?
Tôi cho là có chuyện đó đấy, vì 30% vốn của thị trường bất động sản là do ngân hàng bơm nên chắc chắn sẽ có sự kết hợp để lách. Tuy nhiên, dù là lách kiểu gì thì các khoản nợ này là rất khó thu, nên dù cố kiểu gì thì cũng như kéo dài thời gian trọng bệnh mà thôi.
* Trong các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, vấn đề bơm vốn cho bất động sản có được bàn thảo, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, nếu bơm tiếp thì sẽ "giết" nền kinh tế. Do đó, chúng tôi kiến nghị rằng, tín dụng cho lĩnh vực này phải theo hướng cho thị trường "xì hơi" dần.
* Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng thị trường bất động sản trong năm tới?
Năm 2012 sẽ tiếp tục khó khăn đấy, không chỉ với riêng thị trường bất động sản. Việc cấu trúc lại nền kinh tế chắc chắn sẽ khiến cho tình hình khó khăn thêm. Nếu chúng ta cấu trúc lại thì chắc chắn sẽ lòi các khuyết điểm ra.
Hơn nữa, khâu quản lý của chúng ta trong thời gian qua đã quá yếu kém nên mới có hệ quả đó. Vinashin là một ví dụ. Bên cạnh đó, tư duy thị trường của chúng ta cũng quá yếu kém.
Về giá bất động sản trong năm tới, tôi cho rằng thị trường đóng băng thế thôi, nhưng giá cũng không biến động nhiều đâu. Tăng hay giảm không sẽ không đáng kể. Chỉ trừ giá nhà thu nhập thấp là có thể sẽ tăng, nhưng nguồn cung cũng rất hạn hữu vì vốn cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều khó. Nếu có nhu cầu thì tôi cũng không mua nhà ngay đâu, chờ vài ba năm nữa.
Theo VnEconomy