Vách ngăn nhẹ cho không gian mở
Được dùng rộng rãi, vách ngăn là bộ phận quan trọng cấu thành nên không gian kiến trúc. Trong thiết kế hiện đại, chúng càng được sử dụng phổ biến hơn để mở và nối thông các khu vực trong nhà, mà vẫn đảm bảo sự riêng tư.
Vách ngăn được sử dụng từ rất sớm để bảo vệ con người chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ, đánh dấu không gian chung - riêng... Theo sử dụng phát triển của khoa học công nghệ, chúng được áp dụng rộng khắp với nhiều không gian chức năng khác nhau, phù hợp văn hóa từng vùng - miền và quốc gia.
Ở Việt Nam, vách ngăn được sử dụng tương đối phong phú bởi nhiều chủng loại vật liệu khác nhau, cổ xưa là tre nứa đến hiện đại như composit, nhôm, kính... Vách ngăn được nghiên cứu phát triển phong phú dưới các loại hình khác nhau như vách cố định mang tính chắc chắn, vách di động mang tính năng động, vách sử dụng chất liệu cứng và mềm, vách chống nước, vách bình phong mang tính ước lệ...
Trong nhà ở, vách ngăn đóng một vai trò quyết định tạo nên không gian phong phú và phong cách riêng cho gia chủ. Do điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, vách ngăn càng trở nên hữu dụng trong việc thiết kế nhà ở cho người Việt.
Để thiết kế một căn hộ lý tưởng, chúng ta cần nắm rõ những không gian tối thiểu chung cho nhu cầu ở, các bộ phận cấu thành nên căn hộ ở gồm: khối ngủ; sinh hoạt chung; phòng làm việc học tập; phòng ăn, bếp; không gian tín ngưỡng; khu phụ và vệ sinh; giao thông gắn kết các bộ phận với nhau.
Thực tế, không có nhiều loại vách ngăn thay thế được hoàn toàn các đặc tính của vật liệu gạch truyền thống. Xét về tính lý hóa, gạch nung truyền thống có giá thành rẻ, dễ thi công, dễ trang trí và độ bền vững với môi trường nóng ẩm cao, có hệ thống cung cấp rộng khắp, đội ngũ thợ thi công lành nghề đông đảo, độ cứng lớn và dễ dàng cho việc trang trí, tạo hình theo kiến trúc. Với các vật liệu còn lại như các loại gạch không nung, vật liệu 3D, tuy độ bền lý hóa có thể tương đương, nhưng tương đối phức tạp về mặt thi công, đòi hỏi thiết bị và công nhân lành nghề, khả năng phổ biến cung cấp vật liệu công nghệ còn ít, trình độ gia công tạo hình kém hơn. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến khả năng trang trí như treo, gắn các thiết bị lên vách.
Các loại vật liệu thạch cao, vách gỗ, composite... phù hợp với việc trang trí nội thất do có thể uốn cong, sóng lượn, nhưng độ bền cơ lý hóa thấp, khả năng chịu tác động của môi trường không cao. Do đó, người sử dụng phải biết giữ gìn.
Vật liệu ngăn chia bằng kính có ưu điểm về độ sáng bóng, độ trong suốt cao, rất thích hợp cho các loại vách ngăn chia, nhưng cũng không thể thay thế 100% vách trong một không gian sống mà gần như chỉ sử dụng cho vách mặt tiền công trình và một số những mảng ngăn chia nhẹ giữa hai không gian liền kề.
Việc sử dụng vật liệu hay loại vách ngăn cho không gian bộ phận liên hệ với nhau logic, phù hợp cần dựa vào tính chất nhu cầu và công năng sử dụng trong từng điều kiện cụ thể.
Phòng ngủ bố mẹ nên sử dụng vách cố định với chức năng khác trong căn hộ để tạo sự yên tĩnh và riêng biệt. Với những gia chủ trẻ, không gian ngủ ngăn cách không gian phụ nên sử dụng vách ngăn kính để đảm bảo không bị ẩm ướt và mùi. Trường hợp có con nhỏ chưa thể tách không gian riêng biệt, bố trí để con ngủ cùng phòng tiện cho việc chăm sóc thì nên dùng vách di động hoặc bình phong để chia không gian nhưng vẫn đảm bảo chăm sóc được con và che ánh sáng, tạo yên tĩnh cho trẻ.
Không gian sinh hoạt chung hoặc phòng khách là không gian dành cho tất cả mọi người nên sử dụng vách ngăn di động. Bếp là khu vực tạo ra mùi thức ăn nên bạn cần sử dụng vách ngắn cố định.
Theo Kienviet