Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng sàn gỗ đang là mốt thời thượng, thời gian gần đây doanh số bán ra tăng rất nhanh, đặc biệt là ở khu vực Hà nội và vùng lân cận.
Phân loại
Sàn gỗ có hai loại: Sàn dùng gỗ tự nhiên và sàn dùng gỗ nhân tạo.
Sàn gỗ tự nhiên: Chủ yếu sản xuất trong nước, thường có những yếu điểm như bị cong vênh, nứt tét, co rút, nguyên nhân chính là do sấy gỗ chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về độ ẩm, người sản xuất phải làm sao để bảo đảm độ ẩm của gỗ là 10% trở xuống. Điểm yếu thứ hai của gỗ tự nhiên là dễ cháy. Nhưng ngày nay khoa học tiến bộ đã tạo ra những chất phụ gia chống cháy cho gỗ nên có thể yên tâm sử dụng – sàn gỗ này không thể cháy được mà chỉ biến dạng khi bị đốt nóng, nghĩa là nó còn an toàn hơn những thứ như chăn mền quần áo, chỉ có điều là phải chi thêm chút tiền. Đối với những công ty lớn có kỹ thuật tốt thì vấn đề xử lý chống mối mọt cũng không quá khó, các công ty lớn có công nghệ xử lý ngâm tẩm sao cho sản phẩm không gặp vấn đề mối mọt trong thời gian bảo hành.
Sàn gỗ tự nhiên thường sử dụng sơn PU (polyurethane) để sơn phủ làm bóng bề mặt vì nó có độ cứng rất cao, chịu được lực tác động liên tục với tần suất cao nên rất bền vững, đó là yếu tố bắt buộc đối với những nơi có nhiều người đi lại như văn phòng công ty, nhà hàng, khách sạn…. Trước đây trong sơn PU thường có kim loại chì. Ngộ độc chì làm hư hại hệ thần kinh của con người, gây ra những biến chứng về não và rối loạn chuyển hoá trong máu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây người ta đã hiểu biết nhiều hơn về tác hại của chì và đã có sự kiểm soát gắt gao để tránh những tác hại tới sức khoẻ cho người tiêu dùng. Thời gian bảo hành sàn gỗ tự nhiên, từ 2 – 5 năm.
Sàn gỗ nhân tạo: Có rất nhiều nhãn hiệu như Robina, Kronotex Dynamic, Janmi, Norda, Inovar, Kahn, Wilson, Unifloors... phần lớn sản xuất tại Malaysia và Trung Quốc. Sàn gỗ công nghiệp cũng có sản phẩm Việt Nam như thương hiệu Newsky, sử dụng công nghệ Đức là công ty Long Thành ở tỉnh Hưng Yên.
Các sản phẩm nhân tạo có những ưu điểm như chống cháy, không cong vênh nứt tét, không bị mối mọt hay nấm mốc, không bay màu, được sản xuất bằng nhiều loại vật liệu tổng hợp kết hợp lại với nhau, rất giống gỗ thật và có thời gian bảo hành rất dài từ 10 – 20 năm. Ưu điểm khác là sàn gỗ nhân tạo có giá rẻ hơn gỗ tự nhiên, giá trung bình chỉ từ 200.000 – 500.000đ/m2, còn sàn gỗ tự nhiên giá từ 500.000 – 900.000đ/m2.
Sản phẩm sàn gỗ nhân tạo có một phần lớn khối lượng được làm bằng ván HDF (High Density Fiberboard = bột gỗ ép có tỷ trọng cao), chất này phải sử dụng keo kết dính trong quá trình sản xuất và keo có chứa một chất độc là formaldehyde. Hít thở phải formaldehyde có thể gây ra kích thích mắt và màng nhầy, làm chảy nước mắt, đau đầu, cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở.
Formaldehyde được cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ phân loại như là chất có khả năng gây ung thư ở người và được cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) coi là chất gây ung thư. Vì hiểu rõ mối nguy này nên hầu như tất cả những sản phẩm do những công ty sản xuất sàn gỗ có tên tuổi đều bảo đảm là sử dụng nguyên liệu có tiêu chuẩn châu Âu E1, hay tiêu chuẩn an toàn của Mỹ theo giai đoạn 1 (gọi tắt là CARB P1), nghĩa là hàm lượng formaldehyde trong HDF phát tán ra môi trường nằm dưới mức 0.09 phần triệu.
Điều đáng mừng cho người tiêu dùng là ngày nay, dưới sức ép của khách hàng là những nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng, tất cả những nhà cung cấp hoá chất đều hiểu rõ mối nguy cho chính họ nếu không tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn quốc tế. Do vậy, những hoá chất mà họ sử dụng phải bảo đảm không chứa những chất độc hại vượt quá ngưỡng cho phép. Như vậy, dù sử dụng sàn gỗ tự nhiên hay nhân tạo thì người tiêu dùng cũng không lo về sự nguy hiểm của những chất độc hại như chì hay formaldehyde trong sàn gỗ của họ. Đó là chưa kể sau khi lắp đặt xong thì lớp HDF nằm phía dưới nhiều lớp chất liệu khác rất kín khít.
Tư vấn chọn sàn gỗ và cách sử dụng:
Muốn mua được sản phẩm sàn gỗ có chất lượng tốt, phải tìm những nhà cung cấp có uy tín hoặc nhờ người có chuyên môn cùng đi để khảo sát cẩn thận, không nên ham rẻ kẻo bị nhầm mua trúng hàng nhái hàng giả (nhất là từ Trung quốc). Giá sản phẩm chính hãng của châu Âu có giá rất cao không thể cạnh tranh được trong tình hình thị trường hiện nay.
Cũng cần lưu ý: khi mua sản phẩm sàn gỗ cần phải dùng keo dán hay sơn phủ, trong khi lắp đặt thì người tiêu dùng cần phải yêu cầu bên thi công phải sử dụng những loại keo hay sơn bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, tốt nhất là yêu cầu nhà cung cấp phải cho xem những bảng thông tin an toàn hoá chất của keo và sơn (thường gọi là bản MSDS), như thế mới an tâm.
Do đặc điểm sàn gỗ không chịu được sự ẩm ướt, cần tránh thiết kế và lắp đặt sàn gỗ ở không gian nhà bếp. Lý tưởng nhất là lắp đặt sàn gỗ nơi phòng khách, phòng ngủ... Khi mặt sàn bằng gỗ, không nên mua đồ nội thất có dáng thô và nặng.
Khi mặt sàn bị dơ bẩn, chỉ nên dùng khăn ướt đã vắt ráo lau nhanh, không nên dùng cây lau nhà chà trên sàn gỗ hoặc đổ nước trực tiếp lên mặt sàn. Thông thường nếu sử dụng sàn gỗ tự nhiên với sơn chống trầy thì sau 7 – 10 năm mới phải đánh bóng lại nhưng khi làm thì phải nhờ thợ chuyên môn thực hiện mới bảo đảm chất lượng.
Theo SGTT