Vắng khách: Sàn BĐS đóng cửa đi chùa cầu may
Nghỉ tết sớm nhưng nhiều sàn bất động sản vẫn đóng cửa im lìm, chủ sàn và nhân viên vẫn đang thảnh thơi đi du xuân, lấy lộc đầu năm,...
Nghỉ ngơi cho lành
Dạo quanh một loạt các khu tập trung nhiều sàn bất động sản như Lê Văn Lương kéo dài, khu Trung Hòa Nhân Chính hay Khuất Duy Tiến, tình trạng chung hàng loạt sàn bất động sản vẫn cửa đóng then cài. Lác đác vài sàn mở cửa nhưng không thấy bóng dáng nhân viên và khách hàng.
"Đầu năm mọi người vẫn đang mải đi lễ hội, tình hình này chắc hết tháng giêng sàn mình mới mở cửa trở lại. Tháng giêng là tháng ăn chơi mà", đó là chia sẻ của một giám đốc sàn bất động sản tại Mỹ Đình.
Vị giám đốc cho biết, sàn chỉ mở cửa vào ngày mùng 6 âm lịch để lấy ngày mong một năm mới thuận lợi. Sếp gặp mặt anh em đầu năm chúc Tết mừng tuổi, rồi lại đóng cửa sàn chờ hết tháng giêng mới hoạt động trở lại. Đầu xuân giới kinh doanh bất động sản chủ yếu đi thăm nom chúc Tết, du lịch và làm công tác ngoại giao.
Sàn vắng vẻ. Tốt nhất là đóng cửa nghỉ ngơi. (Ảnh. N.Nga)
Thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn cạn kiệt cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các sàn không còn hứng để khởi động lại sau Tết. Cũng theo chia sẻ của ông, tình hình diễn biến thị trường tiếp tục trầm lắng như năm vừa rồi, sàn ông sẽ đóng cửa hai văn phòng giao dịch tại KĐT Việt Hưng và Hà Đông, đồng thời cắt giảm nhân sự.
Khác với không khí cửa đóng then cài, một số sàn bất động sản đã hoạt động trở lại từ ngày 8 âm lịch. Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện sàn bất động sản châu Á cho biết, mặc dù đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài nhưng số nhân viên đi làm chỉ đếm trên đầu ngón tay, người thì bận việc gia đình ở quê, người đi du lịch,...nhân viên đi làm cũng chỉ ngồi cắn hạt dưa và uống trà vì chưa có nhiều việc để làm.
Diễn biến thị trường bất động sản, nhiều năm trước đây, thời điểm đầu năm khách hàng chủ yếu đến xem thăm dò. Tuy nhiên, năm nay cảnh tượng này không còn nữa, khách hàng đang thờ ơ và nghe ngóng thị trường.
Theo ông Tuấn, số lượng khách hàng đầu năm cũng thường không nhiều, chủ yếu là anh em trong nghề, bạn làm ăn, đối tác chiến lược hoặc các ngân hàng đến chúc Tết.
Một lượng khách hàng mà sàn ông Tuấn hướng tới là Việt Kiều. Vị giám đốc này kỳ vọng, lượng kiều hối đổ vào bất động sản vẫn cao, đây là cơ hội để có khách hàng. Chính vì vậy, trước Tết sàn ông đã tập hợp danh sách các khách hàng là Việt Kiều để chăm sóc và dự định sẽ tổ chức một buổi giới thiệu các dự án bất động sản vào cuối tháng 1 âm lịch.
Tất bật lễ chùa
Dân kinh doanh bất động sản luôn coi trọng việc cúng lễ, đầu năm cũng là dịp mà họ đi chùa lễ cầu phúc cho că năm. Lo ngại tình hình thị trường bất động sản khó khăn, hoạt động kinh doanh giảm sút, những ngày đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản tạm gác công việc sang một bên để đi lễ chùa. Họ mong rằng sẽ tìm được hướng đi thích hợp trong hoạt động kinh doanh của mình và cầu may mắn. Lễ hội chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, chợ Viềng, phủ Giầy... là nơi được nhiều người kinh doanh nhà đất lựa chọn.
Ngay từ sáng sớm ngày 2 Tết âm lịch, ông Thành, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Trung Hòa Nhân Chính đã chuẩn bị đồ lễ cùng vợ và gia đình đi lễ bà Chúa Kho. Công ty ông Thành đang thiếu vốn để triển khai dự án.
Trong năm qua, chạy đốn chạy đáo khắp nơi vẫn chưa vay được tiền, ông đang cầu năm nay đi lễ bà Chúa Kho sẽ có thể vay được khoản tiền hơn trăm tỷ đồng ấy. Vừa rồi, ông Thành đã sắm mâm tiền vàng, ngũ sắc, cây ngọc, cành vàng dâng bà Chúa Kho để vay, lãi suất 0%, hẹn một năm sau sẽ trả, kèm theo lễ tạ. Ông Thành tâm sự, "Năm nào cũng vậy, ông cũng cùng nhân viên trong công ty đi một loạt đền chùa đầu năm để cúng lễ và làm từ thiện. Nhiều chuyến đi lễ đền chùa ở Lạng Sơn, tới chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, chợ Viềng Nam Định,... tới cả các đền ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ông cũng sắp xếp để tham gia", ông Thành cho biết.
Không mấy khi tin vào thần thánh nhưng ông Hưng, một giám đốc sàn bất động sản giờ đây cũng chọn đền chùa là nơi cầu khấn. Ông Hưng cho biết, không chỉ ông mà hầu hết những giám đốc đại gia bất động sản đều coi trọng việc cũng lễ. Điển hình như đối tác của công ty ông đã mạnh tay chi tận chục triệu đồng sắm lễ đi các đền để cầu may, chỉ nghe ở đâu có đền thờ linh thiêng là ông cũng sắp xếp đi cho bằng được.
Tại chợ Viềng Nam Định, ngay từ đầu năm đã tấp nập xe ô tô từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa về đi chợ cầu may và lễ Thánh, lễ Phủ, trong số đó có không ít các đại gia bất động sản. Ông Huy, chủ một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội đang bận rộn với việc sắp lễ, hoa quả, rượu, tiền vàng,... Ông Huy cho hay, năm nào ông cũng đích thân đi lễ đầu năm cầu may mắn, làm ăn phát đạt.
Sắp tới, ngày 14 rằm tháng giêng, ông và một số đối tác sẽ lại về Nam Định để đúng 12 giờ đêm dự khai ấn. Ông Huy chia sẻ, giới kinh doanh bất động sản thường hay đi đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh và ai cẩn thận hơn thì đi Đền Trần Nam Định để cầu tiền tài và công danh thành đạt.
"Đầu năm đi lễ chùa là điều nên làm, tuy nhiên đừng quá sa đà vào các loại hình mê tín dị đoan và tránh bị một số đối tượng lừa đảo, lợi dụng. Ai cũng thế thôi, có thờ có thiêng, có kiêng có lành", ông Huy đưa ra lời khuyên.
Theo VEF