Ứng trước tiền mua nhà: Chỉ nên là ký quỹ hoặc đặt cọc - Tin thị trường - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

Ứng trước tiền mua nhà: Chỉ nên là ký quỹ hoặc đặt cọc - Tin thị trường - Bài viết

Ứng trước tiền mua nhà: Chỉ nên là ký quỹ hoặc đặt cọc

Do luật pháp chưa chặt chẽ nên thường bên mua thua thiệt, nhất là khi mà bên bán không thực hiện đúng cam kết...


“Tiền ứng trước của người mua nhà nên chỉ được thông qua 2 hình thức đặt cọc hoặc ký quỹ để tránh tình trạng huy động bát nháo hiện nay. Vì chả có kiểu góp vốn mà người góp vốn không có một quyền gì, không được hưởng lãi đồng xu nào, rồi sau đó còn bị vỡ nợ”, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng đề xuất.


Theo ông Liêm, BĐS là tài sản có giá trị lớn nên kinh doanh BĐS phải huy động được nguồn vốn lớn, quay vòng vốn nhanh, đáng lẽ ngoài phần vốn tự có để chi cho khâu chuẩn bị đầu tư bên kinh doanh phải vay ngân hàng. Nhưng thực tế, họ chỉ vay một phần để chi cho khâu tạo mặt bằng xây dựng, còn lại tìm cách huy động tiền ứng trước của các bên mua. Do luật pháp chưa chặt chẽ nên thường bên mua thua thiệt, nhất là khi mà bên bán không thực hiện đúng cam kết, cố tình chờ thời cơ tăng giá, hoặc dự án chậm tiến độ…

* Xin ông cho biết cụ thể hơn các quy định thiếu chặt chẽ này?

- Nội dung các quy định này tập trung tại Điều 14, Luật Kinh doanh BĐS về chuyển nhượng BĐS theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần; Điều 9, Nghị định 71/2010/NĐ-CP (Nghị định 71) về huy động vốn; Điều 8 của Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 71.

Đáng tiếc, Điều 14 của Luật Kinh doanh BĐS chỉ mới nêu các nguyên tắc của hình thức ứng tiền trước mà không cụ thể để xét xử các vi phạm. Điều này, vô hình trung đã tạo điều kiện làm nảy sinh những cách thức huy động vốn tuỳ tiện.

Đối với người mua, ứng tiền trước là để cam kết bằng tiền cho việc mua với giá cả nhất định. Còn với người bán, đây thực chất là huy động vốn. Việc cam kết ứng trước tiền này, theo Luật Dân sự thì có thể hiểu thông qua đặt cọc theo Điều 358 của Luật Dân sự hay quy định về ký quỹ tại Điều 360.

Tôi nhận thấy ký quỹ là điều an toàn hơn với bên mua, tạo điều kiện cho bên bán được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp với số tiền tương đương ký quỹ. Tức là, bên mua bỏ vào một tài khoản phong toả, khi nào thực hiện xong thì giải ngân. Ngân hàng dựa vào số tiền trong tài khoản phong tỏa mà cho bên bán được vay số tiền ấy. Như thế, tiền của người ký quỹ đó được ngân hàng bảo vệ. Người bán cũng có lợi là huy động được vốn nhưng lại không thể hiện sự tuỳ tiện. Vì nếu anh bán chậm tiến độ phải trả lãi ngân hàng. Làm như vậy sẽ tránh được việc người bán huy động vốn của dân xây xong chưa thèm bán, chờ nâng giá. Quy định này cũng thúc đẩy bên kinh doanh phải năng động hơn.

Theo tôi, nhất quyết việc tạm ứng vốn mua nhà chỉ nên thông qua 2 hình thức đặt cọc hoặc ký quỹ. Còn các hình thức khác như góp vốn, cho vay vốn là bịa đặt, phi pháp. Vì chả có kiểu góp vốn mà người góp vốn không có một quyền gì trong kinh doanh, không được hưởng lãi đồng xu nào, rồi sau đó còn bị vỡ nợ. Trong lúc đó, người bán không có vốn, ít vốn, không chịu đi vay vẫn có điều kiện hưởng lợi. Với hai hình thức đề xuất trên, nếu anh không bán thì anh phải trả cho người mua một số tiền tương đương với số vốn mà anh cam kết. Rất rõ ràng minh bạch.

* Còn với hình thức trả chậm, trả góp thì sao, thưa ông?

- Việc mua bán chuyển nhượng BĐS theo hình thức trả chậm, trả dần theo Khoản 2, Điều 14, Luật kinh doanh BĐS, nếu có, theo tôi thì chỉ là trường hợp cá biệt giữa người thân, bạn bè, chứ không có ý nghĩa thiết thực trên thị trường kinh doanh. Vì anh kinh doanh đang phải quay vòng vốn rất nhanh, trả lãi ngân hàng, thì lại cho anh trả chậm, trả dần? Mặt khác, nếu trả chậm, trả dần thì thời gian giao dịch kéo dài, càng nhiều rủi ro. Chỉ có hệ thống ngân hàng mới có thể cho vay theo hình thức này nhưng do độ rủi ro cao nên lãi suất cũng cao. Vì vậy, khi Chính phủ muốn giúp người thu nhập thấp sớm có nhà ở thì họ phải hỗ trợ lãi suất cho người mua. Từ đó, người mua được vay đủ tiền trả ngay cho bên bán nhà 1 lần rồi sau đó trả chậm, trả dần cho ngân hàng. Đó là hình thức vay dài hạn và thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro. Vì vậy, cần có quy định pháp lý cụ thể để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng, cũng như của bên vay. Chẳng hạn như Mỹ, đã không trả nợ nổi thì xoá, giải thế chấp, đem thế chấp của anh ra đấu giá bán luôn để trừ nợ. Khung khổ pháp lý của việc trả chậm, trả dần theo tôi nên được quy định tại một Nghị định. Vì mục 5 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thuộc Chương 17 của Luật Dân sự chưa bao gồm trường hợp này.

* Ông từng nói rằng luật pháp về BĐS Việt Nam hiện chỉ chú trọng vào quản lý nhà nước mà xem nhẹ thị trường?

- Đúng như vậy, khung khổ pháp lý về BĐS thường chú trọng hoàn thiện thể chế nhà nước, coi nhẹ sự vận hành của thị trường, không thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng là phải hoàn thiện thể chế các thị trường. Tất nhiên, trong các văn bản pháp quy cũng có nói nhưng không phải trọng tâm.

Các văn bản luật chủ yếu lo xử lý cái người ta vi phạm đối với quản lý nhà nước mà không chú ý xử lý những cái mà 2 bên dân sự vi phạm lẫn nhau, không thực hiện nghĩa vụ, cho nên chẳng có biện pháp chế tài gì cả. Chẳng hạn, tôi cho thuê nhà, anh không trả tiền thuê thì sẽ làm gì anh? Cho nên nhiều khi luật nói khuyến khích nhưng chẳng có công cụ gì để khuyến khích cả, chỉ nói suông.

Ở Trung Quốc, Điều 1, Luật Xây dựng, Luật BĐS luôn nói: Luật này ra đời là để cho thị trường BĐS, thị trường xây dựng vận hành thông suốt lành mạnh, còn các quy định thủ tục có thể bằng văn bản hành chính.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Báo Xây Dựng

 

 

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa