TP. HCM có thể mua lại căn hộ giúp DN bất động sản
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đã có kiến nghị với UBND TP. HCM mua các căn hộ tầm trung phục vụ các chương trình tái định cư của Thành phố. Kiến nghị này được hy vọng mở ra một lối thoát cho các DN.
Lớn, nhỏ đều chậm
Khảo sát của ĐTCK cho thấy, khác với thông lệ hàng năm, sau Tết thường là thời điểm các dự án tăng tốc xây dựng, năm nay, dù đã giữa tháng 2, tình hình xây dựng các dự án rất im ắng. Những dự án đang xây dựng dở dang thì tiến độ cầm chừng, thậm chí ngưng xây dựng hẳn.
Tại quận Thủ Đức, khá nhiều dự án xây dựng dở dang đang nằm phơi nắng, phơi sương, có dự án chỉ có vài bảo vệ trông coi, còn hầu như vắng bóng công nhân xây dựng, đơn cử như dự án căn hộ Green House (phường Linh Tây) do CTCP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVL) làm chủ đầu tư. Được khởi công xây dựng từ năm 2010, sau khi xây dựng xong phần móng và chính thức công bố bán từ đầu năm 2011, đến nay, dự án vẫn y nguyên phần móng. Kế bên, dự án căn hộ Phát Tài cũng được xây xong phần móng từ giữa năm 2010 rồi bất động từ đó.
Khu vực quận Tân Phú, một trong những quận có khá nhiều dự án căn hộ được xây dựng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ giữa năm 2011, một số sàn giao dịch bất động sản thông báo mở bán dự án căn hộ Hiệp Tân do Công ty Đại Thành làm chủ đầu tư, đồng thời, tiến hành nhận tiền cọc giữ chỗ của khách hàng với cam kết trong năm 2011 sẽ chính thức ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, mới đây, một số khách hàng đã đến CTCP Phát triển kinh tế Phú Nhuận (PEDCO) và Sàn giao dịch bất động sản Eden Real - các đơn vị phân phối dự án Hiệp Tân để đòi lại tiền, vì những đơn vị này không thực hiện đúng cam kết khách hàng về việc ký hợp đồng mua bán căn hộ của dự này. Dự án căn hộ Hiệp Tân đến nay vẫn chưa xây dựng xong phần móng, nên chưa thể ký hợp mua bán căn hộ theo quy định của pháp luật.
Tương tự, tại huyện Nhà Bè, một loạt dự án có quy mô lớn như Kenten Residences (do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư), Thảo Loan Plaza (do Công ty Thảo Loan làm chủ đầu tư)… cũng đang trong trạng thái bất động. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, hiện có đến hơn 70% dự án đang xây dựng dở dang ở TP. HCM phải đình hoãn.
Trong khi các dự án căn hộ đang xây dựng bị chậm tiến độ, thì một số dự án có quy mô lớn khác, dù có kế hoạch xây dựng từ nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) do Công ty TNHH Trung tâm tài chính Việt Nam Berjaya (thuộc Tập đoàn Berjaya - Malaysia) làm chủ đầu tư là một ví dụ.
VFC là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 930 triệu USD với kế hoạch biến khu đất 6,8 héc-ta tại góc đường Lê Hồng Phong - Ba Tháng Hai (quận 10, TP. HCM) thành một khu phức hợp bao gồm 5 tòa tháp cao từ 39 - 48 tầng. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2008, sau nhiều lần đưa ra kế hoạch khởi công, đến nay dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Land Berhad cho biết, sở dĩ dự án này chưa thể khởi công là do việc di dời trường mầm non trong khu vực dự án chưa thực hiện được. Dự kiến, đến tháng 5/2012, việc di dời trường mầm non hoàn thành, dự án mới được khởi công.
“Ngoài việc bị vướng trường mầm non, còn có thách thức khác là thị trường bất động sản quá yếu, nhiều dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê ở quận 1 hiện tỷ lệ trống khá nhiều. Dự án sẽ khởi công nhưng tiến độ cũng phải phụ thuộc vào thị trường”, ông Nam nói. Liên quan dự án này, mới đây Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân đã có "tối hậu thư", nếu chủ đầu tư dự án này tiếp tục trì hoãn, không hoàn thành các thủ tục đầu tư theo cam kết, UBND Thành phố sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời không xem xét đề xuất đầu tư các dự án khác của công ty này ở TP. HCM.
"Bốc thuốc" cho thị trường
Thị trường khó khăn không chỉ làm “bể” kế hoạch kinh doanh của các dự án đã và đang đầu tư, mà còn tác động đến kế hoạch đầu tư của các dự án chuẩn bị xây dựng. Theo kế hoạch, đầu năm 2012, Công ty Bất động sản Việt Nam (VNI) sẽ khởi công xây dựng dự án căn hộ cao cấp Vinaland Tower tại quận 7. Song theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT VNI, khả năng kế hoạch này sẽ phải dừng lại. “Thị trường quá trầm lắng, hơn nữa gần đây một số dự án giảm giá sốc đã tác động khá nhiều đến tâm lý khách hàng. Nếu xây dựng mà phải chạy theo sự giảm giá của các dự án này, DN sẽ bị lỗ và chưa chắc đã bán được. Trong khi đó, DN phải chịu khá nhiều áp lực như lãi vay, chi phí đầu vào tăng cao”, ông Hoàng nói. “Nếu thị trường không có sự khởi sắc nhất định, thì không chỉ có VNI, mà nhiều DN khác chắc chắn cũng không thể triển khai dự án”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, lo lắng lớn nhất của thị trường bất động sản TP. HCM trong thời gian tới là tính thanh khoản. Khó khăn thanh khoản đang hiện hữu của nhiều ngân hàng cũng sẽ trực tiếp tác động đến thị trường bất động sản, vì đầu vào và đầu ra của thị trường đều liên quan chặt chẽ đến nguồn vốn tín dụng. Hơn nữa, theo chủ trương của Nhà nước, năm 2012, tín dụng dành cho bất động sản chưa có gì sáng sủa hơn năm 2011. Hiện có một số ngân hàng công bố cho vay với mức lãi suất 18%/năm, nhưng trên thực tế, DN rất khó có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay này. Trong thời gian tới, DN địa ốc vẫn còn đối mặt với sự khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Thiếu vốn và thị trường trầm lắng khiến nhiều dự án tại TP. HCM chậm tiến độ |
Để giúp các DN địa ốc giảm bớt áp lực, ông Châu cho biết, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị UBND TP. HCM xem xét giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Mặt khác, mới đây, Hiệp hội đã có kiến nghị với Thành phố về việc mua lại những căn hộ có diện tích khoảng 70 m2/căn hộ để phục vụ chương trình tái định cư của Thành phố. “Một tin vui đối với DN địa ốc TP. HCM là lãnh đạo TP. HCM cho biết sẽ xem xét kiến nghị này. Nếu chủ trương này được thực hiện sẽ góp phần giải quyết được một lượng hàng tồn kho khá lớn của các DN, giúp tính thanh khoản của thị trường tăng lên rất nhiều, vì đây là một khách hàng lớn", ông Châu nói.
Bình luận về khả năng này, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, nếu quả thực Thành phố đứng ra mua lại căn hộ của DN thì quá tốt cho thị trường. “Nhưng dù gì thì đây cũng mới chỉ là chủ trương, nên còn cần thời gian để thực hiện. Vấn đề cấp bách của thị trường bất động sản lúc này là cần có những chính sách, cụ thể để giúp các DN vượt khó. Đó là chính sách về tín dụng cho các DN, người mua nhà, chính sách về tiền sử dụng đất …”, ông Hiếu kiến nghị.
Theo Đầu Tư