Thu phí biệt thư bỏ hoang: Khó khả thi
Những ngôi biệt thự bị bỏ hoang từ nhiều năm nay tại Khu đô thị Mỹ Đình II. Images: Thanh Hải |
Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, đề xuất thu phí thay vì đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang là không đúng về khái niệm và không hợp lý.
Hiểu sai khái niệm?
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, biệt thự bỏ hoang sẽ bị thu một khoản phí nhất định thay vì đánh thuế. Ngoài ra, sở hữu ngôi nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế. Ngay sau khi thông điệp này được phát đi, đã nhận được nhiều ý kiến hoài nghi của các nhà quản lý, nhà đầu tư về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng đây là biện pháp tốt để xử lý biệt thự bỏ hoang hay chỉ là "mệnh lệnh hành chính" với tác dụng không cao.
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, khái niệm thu phí đối với biệt thự bỏ hoang là không hợp lý, vì chủ nhân các biệt thự không sử dụng dịch vụ nên không thể thu phí. "Ở đây khái niệm phí là gì, chúng ta phải hiểu đúng nghĩa nên thay khái niệm thu phí bằng đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang" - ông Võ phân tích. Do đó, chỉ nên làm theo cách tính thuế thông thường nếu biệt thự được cho thuê căn cứ vào giá trị tiền thuê để tính thuế bình thường. Nếu mua biệt thự để rồi "bỏ hoang" cần áp dụng cách đánh thuế lũy tiến theo thời gian. Ví dụ: Bỏ hoang trong thời gian ngắn sẽ bị thu 25%, sau đó biệt thự vẫn tiếp tục bỏ hoang thu thu 50, 75 thậm chí 100% tiền thuế.
Hiện nay, thuế nhà đất ở Việt Nam là "vô nghĩa" không có tác dụng răn đe đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. "Mức thuế đất hiện nay thu vẻn vẹn chỉ có 0,03%/năm là quá ít so với giá trị sử dụng của nó, chưa áp dụng đánh thuế nhà ở, trong khi tiền áp đánh thuế đất trên thế giới tối thiểu 40%" - ông Võ nói.
Những biệt thự bỏ hoang tại khu Mỹ Đình II. Ảnh: Hải Linh
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Cường, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, người mua biệt thự "bỏ hoang" đã đóng thuế khi mua nhà, có chăng chỉ không kiểm soát được hiện tượng mua đầu cơ, tích trữ. "Khi nói tới phí liên quan tới mua bán các dịch vụ công. Như phí trông xe, phí trước bạ, phí làm dịch vụ công… Còn biệt thự bỏ hoang áp dụng thu phí liệu có phù hợp không ?"- ông Cường hoài nghi.
Nhờn thuốc
Trên thực tế, việc ban hành chính sách nhiều khi không theo kịp với cuộc sống, song nay lại thay đổi, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Chẳng hạn, năm 2011, Bộ Tài chính xây dựng và hoàn thiện biểu thuế áp dụng đối với các trường hợp biệt thự bỏ hoang để lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Theo đó, cơ quan này đề xuất áp dụng thu thuế theo thời gian bỏ hoang. Ví dụ: Biệt thự bỏ hoang khoảng 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hơp đồng. Còn sau một năm mức thuế được áp là 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Cũng trong năm 2011, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi các chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn, yêu cầu hoàn thiện nhà bỏ hoang với những căn hộ đã có chủ đến hết quý II/2011. Nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, tất cả các mệnh lệnh hành chính nói trên đều "nhờn thuốc" khi không cải thiện tình hình là bao, chỉ có lác đác biệt thự bỏ hoang được chủ nhân đưa vào sử dụng.
GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn: "Nhiều khi chúng ta còn ngần ngại xử lý nhà đất bỏ hoang, chỉ có biện pháp đánh thuế cao để "kích thích" chủ nhân đưa vào sử dụng".
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Hà Nội hiện có khoảng 700 căn biệt thự, nhà liên kế bỏ hoang. Đến hết quý I/2012, số căn biệt thự bỏ hoang tại các khu đô thị được hoàn thiện và có người ở chỉ chiếm một phần rất ít con số nêu trên.
Theo Kinh Tế Đô Thị