Tâm lý đầu tư bất động sản: Nam - Bắc trái chiều
Trong báo cáo khảo sát về thị trường bất động sản Hà Nội, Công ty Nghiên cứu, tiếp thị bất động sản Collier Việt Nam nhận định: "Thị trường bất động sản Hà Nội đang chịu ảnh hưởng nhiều từ giới đầu cơ, song đa phần trong số đó lại có thói quen mua bán liều lĩnh".
Đáng chú ý, khảo sát của Colliers Việt Nam cho thấy, Hà Nội là địa phương đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Việt Nam và đang có một số lượng người giàu có sống ở Hà Nội sẵn sàng đầu tư vào bất động sản để ở, cho thuê hoặc đầu tư.
Chính vì vậy, thị trường vẫn đang bị thao túng bởi những nhà đầu cơ và đầu tư muốn kiếm lời. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó vẫn có thói quen mua hàng liều lĩnh.
Đặc biệt, người dân Hà Nội thích đầu tư xu thế đám đông, cùng mua cùng bán. Thậm chí, nhà đầu tư thích mua theo kiểu “xập xí xập ngầu rỉ tai nhau. Và tại nhiều dự án, người ta còn cố gắng chen chân tranh nhau mua suất ngoại giao.
Giám đốc một công ty môi giới cho biết, “Dự án càng lỏng lẻo về pháp lý, có nhiều rủi ro nhưng khoản lợi nhuận thu về cũng là khổng lồ. Người dân mình chỉ tin những dự án bán dấm bán dúi mới có thể mang được lợi nhuận cao", ông này chia sẻ.
Trên thực tế, chính vì thói quen mua bán nhà đất như vậy mà tại thị trường miền Bắc thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo lớn trong đó điển hình 2 vụ lừa đảo mua suất ngoại giao tại dự án Vân Canh với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng, hay vụ lừa mua suất đất tại dự án lớn như Geleximco, An Hưng xảy ra năm ngoái gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Theo phân tích chuyên gia, tại miền Bắc nguồn cung bất động sản không được dồi dào đặc biệt là phân khúc đất nền dự án. Vì vậy, lượng dự án mới ra hàng rất “nhỏ giọt” do vậy nhà đầu tư, người mua nhà khó có thể trực tiếp mua từ chủ đầu tư mà phải vòng qua các “cầu môi giới” khiến cho việc tiếp cận thông tin rất khó khăn.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Hưng – Phó tổng giám đốc tập đoàn Cen Group cho rằng, khách hàng miền Nam có thể mua lẻ từng căn, còn ở Hà Nội, người dân phải mua qua người này người kia với giá chênh hàng trăm triệu đồng. Các sàn giao dịch ở phía Bắc muốn làm đại lý phân phối sản phẩm bất động sản rất khó khăn. Nhà phân phối phải hứa hẹn, xin xỏ thì chủ đầu tư mới cho vài căn để bán.
Trong khi đó, tại thị trường TP HCM, lượng cung hàng khá dồi dào vì vậy chủ đầu tư chăm sóc khách hàng rất chu đáo. Khi triển khai xây dựng dự án bao giờ làm nhà mẫu, trong chính sách bán hàng rất nhiều ưu đãi, khuyến mãi. Khách hàng có thể trực tiếp tìm hiểu thông tin và mua hàng chủ đầu tư mà không cần thông qua kênh phân phối riêng.
Chính vì vậy, người dân TPHCM cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách này của các chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng và mua sắm của người dân thành phố Hồ Chí Minh có phần khác biệt với người Hà Nội vì vậy nhu cầu đầu tư bất động sản cũng không giống nhau. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, người miền Bắc thường tiết kiệm, thích tích trữ của cải. Trong khi người dân miền Nam chi tiêu hào phóng.
Một nguyên nhân khác quan trọng hơn chính là việc nhà đầu tư TP.HCM quen dùng đòn bẩy tài chính hơn ở Hà Nội. Khi các khoản vay ngân hàng đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư buộc phải bán tháo để trả nợ khiến giá bất động sản sụt giảm mạnh. Còn ở Hà Nội, phần lớn nhà đầu tư dùng vốn tự có nên không xảy ra tình trạng tháo chạy trả nợ ngân hàng không nhiều.
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước 6 tháng đầu năm, tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản tại TPHCM là 37% trong khi tại Hà Nội con số này là 8%. Như vậy, lượng vốn ngân hàng cho khách hàng vay để đầu tư bất động sản tại TP.HCM cao gấp 3 lần Hà Nội.
Theo Vnmedia