Sẽ đưa giá đất đền bù sát với giá thị trường
“Trước nay, trong quản lý đất đai chúng ta chưa tính hết giá trị của nó, trong lần sửa luật này, sẽ đẩy mạnh cơ chế định giá, thẩm định giá, cơ chế tư vấn giá đất, xem xét lại sao cho giá đất Nhà nước đưa ra sát với thị trường”.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN&MT nhận định bên lề buổi tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 ngày 15/3.
* Về vấn đề điều chỉnh thời hạn và hạn mức giao đất, có ý kiến cho rằng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp để có thể tập trung đất đai cho sản xuất hàng hoá. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN&MT |
Về thời hạn giao đất hiện đang có 2 luồng ý kiến. Có ý kiến cho rằng kéo dài thời hạn giao đất cho đất trồng cây hàng năm bằng trồng cây lâu năm là 50 năm để người dân tập trung vốn liếng công sức đầu tư khai thác đất đai.
Cũng có ý kiến muốn chia lại hạn mức. Thực ra các ý kiến muốn điều chỉnh là của những người sống ở nông thôn mà thời gian qua không được giao đất, đặc biệt là khi có các dự án làm đường giao thông, khu công nghiệp, người sử dụng đất được bồi thường khá, nên người chưa được giao đất muốn chia lại.
Về vấn đề này, Tổng cục quản lý đất đai đang thảo luận, việc chia lại là rất khó. Theo ý kiến của cá nhân tôi, chúng ta có thể dùng biện pháp khác để có đất giao cho người có nhu cầu nhưng chưa được chia, như tạo qũy đất từ việc lấy đất từ những người không có nhu cầu sử dụng để giao cho người có nhu cầu, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cho người chưa có đất sang ngành nghề khác.
* Trong những kiến nghị về đất đai thời gian qua, có liên quan rất nhiều đến mối quan hệ về quyền sử dụng đất, bất động sản. Theo ông, khi sửa Luật, cần nghiên cứu, điều chỉnh ra sao cho phù hợp với thị trường?
Định hướng của Bộ TN&MT là đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên môi trường, đây là quan điểm đường lối để sửa quy định về tài chính đất đai, ví dụ khai thác quỹ đất 2 bên đường mới mở hoặc mở rộng, định giá đất, mở rộng quyền cho nhà đầu tư nước ngoài bình đẳng với nhà đầu tư trong nước trong thị trường bất động sản... Chúng tôi tiếp thu các ý kiến theo hướng đáp ứng hội nhập, bình đẳng với nhà đầu tư, tiếp tục hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất.
Về thị trường quyền sử dụng đất, trước nay trong quản lý đất đai chúng ta chưa tính hết giá trị của nó, trong lần sửa luật này, sẽ đẩy mạnh cơ chế định giá, thẩm định giá, cơ chế tư vấn giá đất chẳng hạn, sẽ phải xem xét lại để sao cho giá đất Nhà nước đưa ra sát với thị trường, phù hợp thị trường, mặt khác thúc đẩy đầu tư phát triển...
Trong dự thảo lần trước, có quy định chưa được chấp nhận: đó là người dân có thể đăng ký giá đất cho thửa đất của mình và lưu trong hồ sơ địa chính. Trên cơ sở đó, có thể tính toán các khoản thu nghĩa vụ của người sử dụng đất, tính thuế thu nhập quyền sử dụng đất, hoặc khi bồi thường, có những giá trị không thuộc về người sử dụng thì họ chỉ được hưởng một phần nào thôi. Đây là vấn đề cần làm rõ trong lần sửa luật lần này.
* Nhiều ý kiến cho rằng đầu vào các dự án rất khác nhau do cơ chế giao đất, cho thuê đất bất bình đẳng, điều này sẽ phải điều chỉnh như thế nào trong Dự luật sửa đổi Lụât đất đai?
Đất trồng lúa. Ảnh: thaibinhtv |
Chúng ta đã phát triển theo định hướng thị trường thì về cơ bản việc các DN tạo lập mặt bằng đất đai thì phải căn cứ theo giao dịch trên thị trường, thoả thuận với người dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ để có mặt bằng theo đúng quy hoạch. Chúng ta phải nghiên cứu cơ chế để người dân và DN tự thoả thuận, nhưng để phục vụ quy hoạch chung thì Nhà nước sẽ hỗ trợ phần không thể thoả thuận được.
* Về trách nhiệm của Tổng cục quản lý đất đai trước tình trạng các dự án treo còn khá nhiều tại khắp các địa phương, ảnh hưởng đến đời sống của người dân diện bị thu hồi đất?
Tổng cục quản lý đất đai thực hiện thanh kiểm tra, trên cơ sở đó kiến nghị xử lý. Tôi cho rằng với cơ chế kinh tế thị trường nhiều khi chúng ta dự báo chưa hết, treo có khi còn do khó khăn về tài chính của DN. Cái này cũng phải từng bước khắc phục thôi.
* Về vấn đề sở hữu đất đai, những ý kiến gần đây cho thấy vấn đề sở hữu tư nhân đã được đưa ra tranh luận khá nhiều. Với vai trò là cơ quan “chắp bút” Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quan điểm của Tổng cục quản lý đất đai nghiêng về hướng nào?
Đây là vấn đề lớn. Mặc dù hiện nay chúng ta quy định sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng trong 1 số trường hợp, chúng ta hiểu là người sử dụng đất đang có một số quyền như chủ sở hữu, ví dụ quyền sử dụng lâu dài đối với đất ở, khi Nhà nước thu hồi thì được bồi thường sát giá thị trường, quyền chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê thế chấp... Nói chung là cũng không khác gì sở hữu tư nhân. Cái quan trọng là chúng ta làm rõ nó ra thôi, để phục vụ quản lý tốt hơn.
Theo Bee