Săn đất nền giá rẻ ven Sài Gòn
Giá 2-3 triệu đồng mỗi m2, đất nền các tỉnh giáp ranh TP HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đột ngột hấp dẫn nhiều người, phần lớn đều "chân ướt chân ráo" gia nhập thị trường.
Không phải đất nền quận 2, 7 của phố nhà giàu, mà là đất vùng ven Sài Gòn thuộc các tỉnh giáp ranh với TP HCM mới chộn rộn cảnh săn lùng, chọn mua.
Trong vòng 2 tháng kể từ 14/2, Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh đã bán được hơn 530 nền ở Bình Dương, Đồng Nai cho 472 khách hàng. Còn bộ phận bán hàng của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đất Xanh Tây Bắc cho hay, tính từ quý IV năm 2010 đến nay, đơn vị đã mở bán đất nền Long An ba đợt với tổng số sản phẩm đã được nhà đầu tư chọn mua đạt gần 300 nền. 80% khách mua nền đất trong đợt I là người TP HCM, 20% là dân bản địa và tỉnh khác. Từ đợt II trở đi, nhà đầu tư phía Bắc xuất hiện đông hơn.
Khác với thời kỳ địa ốc nóng sốt luôn xuất hiện những nhà đầu tư cũ, nhìn ai cũng quen mặt thì năm 2011, thị trường đất nền giá rẻ ở vùng ven Sài Gòn toàn khách mới. Đa phần những người này đều lần đầu tiên tìm hiểu hoặc mua bất động sản. Ai cũng kỳ vọng đây là kênh gửi tiền an toàn. Trong đám đông những nhà đầu tư đất nền vùng ven, có nhiều người đang sống và làm việc tại TP HCM, thậm chí là Hà Nội.
để chọn vị trí tốt đầu tư. Ảnh: Vũ Lê.
Lần đầu tiên đổ tiền vào đất Bình Dương, ông Lê Văn Lực, ngụ quận Tân Bình, TP HCM, mua nền đất tại khu Mỹ Phước cho biết: "Ở Sài Gòn, một hai trăm triệu đồng mua nhà không được, mua đất cũng không xong. Ra xa một chút mua nền đất nhỏ, chờ 5-10 năm sau mình có tài sản, nếu bán đi cũng không mất giá".
Ông Lực kể, đã theo chân đoàn đi xem đất dự án một lần, về nhà bàn tính với gia đình nhiều bận rồi mới quyết định gửi tiền vào đất đầu tư lâu dài. Khi được hỏi đến pháp lý và giấy chủ quyền đất, ông cho hay: "Tôi chẳng hiểu nhiều nhưng đã xem bản đồ quy hoạch của dự án, đồng thời đi thực địa tận nơi, chủ đầu tư hứa khi đóng xong tiền thì sẽ được cấp sổ đỏ".
Đặt cọc nền đất tại Long An, một khách hàng nữ vừa chọn nền vừa bình luận: "Giá khởi điểm 2-2,5 triệu đồng mỗi m2, mỗi suất đầu tư 250 triệu đồng, rẻ hơn căn hộ chung cư gấp 4-5 lần, cứ mua để dành 10-15 năm sau cho con cái".
trên nền mặt bằng vừa được san lấp xong. Ảnh: Vũ Lê.
Tổng giám đốc Công ty Techcomreal Nguyễn Xuân Lộc phân tích: "Đất nền vùng ven giá rẻ hút khách là điểm nhấn của thị trường bất động sản 2011. Song đây là bài toán đầu tư phức tạp hơn suy nghĩ thông thường của nhà đầu tư mới làm quen với thị trường địa ốc".
Ông Lộc giải thích, đầu tiên, đổ tiền vào đất nền có thể hiểu là động thái cất giữ tiền an toàn trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, nền kinh tế còn đứng trước nhiều điều chỉnh, tiền đồng mất giá, vàng và ngoại tệ không ổn định còn thị trường căn hộ bị suy giảm niềm tin. Một lý do khác khiến đất nền hút khách là giá rẻ, phù hợp túi tiền của hầu hết đại bộ phận gia đình truyền thống ở Việt Nam.
Nhìn nhận thế mạnh và tính hấp dẫn của đất nền nhưng ông Lộc không quên nhắc đến những điểm yếu của dòng sản phẩm này. Đó là: pháp lý còn mập mờ đối với người mua (hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư không đảm bảo quyền lợi người mua bằng hợp đồng mua bán); hạ tầng chậm; tiền sử dụng đất theo giá thị trường là bài toán nan giải cho chủ đầu tư; khi mua dễ muốn bán lại rất khó; hình thành khu dân cư lâu, trung bình khoảng 5-10 năm chịu cảnh vườn không nhà trống; sinh lợi chậm, giá trị gia tăng chỉ tính theo chu kỳ trung bình 3-5 năm...
Ông Lộc đưa ra một vài khuyến cáo cho những người quyết định đầu tư vào đất nền vùng ven. Thứ nhất, người mua đất nền cần xác định suất đầu tư lâu dài để phân bổ nguồn vốn hiện có, ít nhất là 3-5 năm và chuẩn bị tâm lý 10-20 năm dự án mới có biến chuyển hình thành khu dân cư. Thứ hai, chọn đơn vị tư vấn môi giới có uy tín và thực địa dự án để nắm tiến độ hạ tầng kết nối. Thứ ba, về pháp lý, khách hàng cần thu thập tư liệu pháp lý dự án từ chính quyền địa phương, rà soát hợp đồng mẫu và tìm nhà tư vấn pháp lý trước khi ký kết. Thứ tư, về vị trí, cần chọn kỹ những lô đất gần chợ, bờ sông, công viên, đường lớn để phòng khi cần tiền rao bán mới có người mua.
Theo VnExpress