Nghịch lý thừa thiếu trong thị trường bất động sản - Dung hòa cách nào?
Nghịch lý thừa thiếu trong thị trường bất động sản đã từng được nói đến rất nhiều lần. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tín hiệu được tháo gỡ...
Rao bán như... hàng rong
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, trưởng phòng kinh doanh của một ngân hàng ở TPHCM muốn “phát bệnh” vì hàng loạt tin nhắn, những cuộc gọi điện thoại chào mời mua nhà đất. Khổ nổi những cuộc điện thoại này thường đến vào những lúc chị cần nghỉ ngơi như trưa, tối… Hẳn người gọi hiểu rằng với cán bộ công nhân viên, gọi điện thoại “marketing” vào thời gian ấy là tiện lợi nhất.
Những bất động sản được giới thiệu đến chị Nguyễn Thị Thu Hương rất đa dạng, từ đất nền nhà phố, đất nền biệt thự, căn hộ ở TPHCM, căn hộ ở Bà Rịa-Vũng Tàu… Mới đầu chị Hương còn chịu khó nghe, sau biết người nói chuyện muốn giới thiệu đất đai, chị xin lỗi cúp máy ngay. Chẳng phải đã thoát, gọi điện thoại trực tiếp cho chị Hương không được, người bán chào mời mua nhà đất qua… tin nhắn.
Tuy nhiên, cách chào mời như thế còn khá lịch sự. Nhiều chủ đầu tư cho in quảng cáo nhà đất vào những tờ giấy nhỏ rồi thuê người đứng phát tại các ngã tư cho những người dừng phương tiện chờ đèn xanh. Thậm chí, họ còn dán quảng cáo trên các tấm giấy cacton kích cỡ chỉ khoảng 50cmx50cm, đem treo ở các cột điện… Cứ đi một vòng TPHCM, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy rất nhiều tấm bìa giấy cacton hoặc in nhựa quảng cáo bán nhà đất treo lủng lẳng khắp nơi.
Đa dạng các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân được xây dựng tại quận 2. Ảnh: CAO THĂNG |
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực ấy, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Không phải đi đâu xa, bước chân qua quận 9, vòng qua quận 12, Gò Vấp… hàng loạt cao ốc, dự án bán đất nền để cho cỏ mọc.
Như chính ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM xác nhận, thật sự rất khó thống kê hiện có bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu nền đất bị bỏ hoang nhưng con số đó chắc chắn không ít. Không phải ngẫu nhiên khi mà những tài sản trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng lại được rao bán như… hàng rong vậy.
Nhà, đất chật vật... mới có
Ngược hoàn toàn với nhóm nhà đất nêu trên, có một nhóm nhà đất khác mà từ UBND TPHCM, các sở, ngành cho tới quận, huyện… đang cố hết sức mình để gầy dựng. Đó là nhóm nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên…
Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, trong năm 2011 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chương trình xây dựng nhà ở xã hội dùng vốn ngân sách chỉ hoàn thành được 176 căn hộ, khởi công và đang xây dựng thêm 916 căn. Chương trình xây dựng nhà ở xã hội dùng vốn ngoài ngân sách đã thu hút được 33 doanh nghiệp tham gia với 6 dự án được duyệt.
Thế nhưng, hiện mới khởi công được 3 dự án. Chương trình nhà ở cho công nhân có nhiều tín hiệu vui song cũng mới lo được khoảng 6.400 chỗ ở cho công nhân, hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng này.
Ký túc xá cho sinh viên cũng tương tự: 27.000 chỗ ở đã được xây dựng xong nhưng chưa phải đã giải quyết căn cơ vấn đề thiếu chỗ ở cho sinh viên. Đó là chưa kể TPHCM còn chương trình xóa 15.000 căn hộ trên kênh rạch và chăm lo chỗ ở cho các hộ này…
Kê sao cho cân?
“Rất khó” - ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã trả lời như vậy khi được hỏi về khả năng dung hòa nghịch lý thừa, thiếu này. “Một bên là chương trình xã hội, chăm lo cho người thu nhập thấp của Nhà nước. Ở đây không đặt trọng tâm vấn đề lợi nhuận. Trong khi đó, bên kia là kinh doanh, luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu”, ông Hoàng Minh Trí phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cũng cho rằng khó cân đối được chuyện thừa, thiếu nêu trên. Ông Lê Hoàng Châu giải thích, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp có những tiêu chuẩn riêng về diện tích, về giá thành… hoàn toàn rất khác với nhà ở thương mại mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang đầu tư.
Đa phần nhóm nhà ở thương mại nhắm tới đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình, khá và cao nên chi phí xây dựng lớn. Đưa sản phẩm này phục vụ cho đối tượng thu nhập thấp, có hai tình huống sẽ xảy ra: một là người thu nhập thấp không đủ tiền mua, hai là doanh nghiệp đầu tư sẽ lỗ. Cả hai tình huống đều không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, cả ông Hoàng Minh Trí và ông Lê Hoàng Châu đều thống nhất, phần lớn người có thu nhập trung bình và đặc biệt nhóm người có thu nhập khá và cao đều đã có nhà ở. Nhu cầu nhà ở cho các đối tượng này trong vòng vài năm tới chắc chắn sẽ không tăng nhiều, thậm chí không tăng. Nếu có, họ chỉ mua thêm để tích lũy. Trong tình huống ấy, họ sẽ mua khi hoạt động kinh tế đi vào ổn định.
Liệu các nhà kinh doanh bất động sản Việt Nam mà cụ thể ở TPHCM, đa phần hoạt động với quy mô nhỏ và vừa, đủ sức… chờ nhóm khách hàng này quay lại? Ôm bất động sản không bán được có nghĩa là họ đang ôm nợ, nhất là đối với các doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để đầu tư. Qua thời gian món nợ nhất định sẽ phình ra…
Hiện nay Bộ Xây dựng, các bộ ngành, địa phương liên quan đã có khá nhiều động thái hâm nóng thị trường bất động sản. Như vậy nên chăng xem xét đến việc cân lại nghịch lý thừa thiếu nêu trên? Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đưa sản phẩm đang dôi dư của mình phục vụ nhu cầu đang thiếu của xã hội. Còn doanh nghiệp cần cân nhắc đến một thực tế: càng để lâu, càng lỗ.
Vậy tại sao không cắt lỗ sớm? Làm được điều này, nhà nước, doanh nghiệp và người thu nhập thấp đều có lợi. Người thu nhập thấp có nhà, doanh nghiệp bớt lỗ và nhà nước sẽ nhẹ gánh chăm lo nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp
Theo Sài Gòn Giải Phóng