Kinh tế 2012: “Đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc” - Tin thị trường - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

Kinh tế 2012: “Đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc” - Tin thị trường - Bài viết

Kinh tế 2012: “Đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc”

Kinh tế Việt Nam sắp bước sang năm 2012 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy khó khăn.

Theo TS. Trần Du Lịch, chưa bao giờ lòng tin trong nội bộ hệ thống ngân hàng suy giảm mạnh mẽ như bây giờ

Khó khăn của kinh tế Mỹ, khủng hoảng nợ công châu Âu và khu vực Eurozone, biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Cận Đông... Các dự báo, các chỉ tiêu kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều điều chỉnh theo xu hướng giảm xuống. Tất cả đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ diễn ra theo chiều hướng nào?... Các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ những ý kiến của mình tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 - Đâu là cơ hội”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vừa qua tại Tp.HCM. VnEconomy xin giới thiệu một số nội dung chi tiết.

“Giảm lạm phát còn quan trọng hơn cả giảm thuế”

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

“Năm 2012, chúng ta tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi kiềm chế lạm phát, chúng ta phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng.

Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2012 là đạt mức tăng trưởng GDP 6%. Tuy nhiên Việt Nam sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng này nếu như chúng ta không điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu tín dụng hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp xuất khẩu, bởi trong những năm qua, khu vực SME và khu vực xuất khẩu là khu vực có mức tăng trưởng cao.

Vậy tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ như thế nào? Theo tôi, rất khó để đưa ra những con số lúc này bởi những bất ổn khó lường trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Với mục tiêu trong năm 2012 là giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ có thể sẽ giảm lãi suất và giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu vào khu vực kinh tế tư nhân.

Vậy cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Việt Nam năm 2012?

Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội bởi chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép..., nên khả năng xuất khẩu vẫn tốt. Tốc độ xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 tăng cao nhất so với những năm trước đây.

Mặt khác, sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt nên có những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tương tự Thái Lan sẽ có khả năng tăng mạnh, nhất là 6 tháng đầu năm 2012.

Khó khăn phải đối mặt cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài việc rà xét lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường nội địa, tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế Thái Lan, xâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường châu Phi, Mỹ La tinh...

Song song đó, Chính phủ nên tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như giãn hoãn thời gian nộp thuế, và có chủ trương trình Quốc hội miễn giảm thuế.

Về mục tiêu kiềm chế lạm phát, đây là một thách thức cho Việt Nam trong năm 2012 bởi giá lương thực và giá dầu tăng sẽ làm tăng giá trong nước. Nếu Việt Nam đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát 9% trong năm 2012, lãi suất huy động sẽ khoảng 11%/năm. Với mức này, lãi suất cho vay khoảng 13-15%/năm.

Tôi cho rằng, hiện các biện pháp của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng nhất đối với Chính phủ là kiềm chế lạm phát. Đây chính là sự hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn cả việc giảm thuế. Nếu ta giảm lãi suất xuống hai điểm % thì hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với giảm mấy điểm % tiền thuế.

Do đó, điều mà Chính phủ có thể làm để hỗ trợ các doanh nghiệp chính là việc kéo lạm phát xuống dưới một con số trong năm 2012, tiến tới đạt mức 6% trong năm 2013”.

“Tiếp tục lạm phát cao, sẽ không còn là vấn đề kinh tế nữa”


TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

“Tái cấu trúc ngân hàng đang là vấn đề nóng. Mục tiêu của Chính phủ từ nay đến năm 2015 là hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng thương mại, không để bất cứ ngân hàng nào đổ vỡ; phát triển vài ngân hàng mang tầm cỡ khu vực, bên cạnh đó phát triển các quỹ tín dụng nhỏ phù hợp với phân khúc thị trường. Về thị trường chứng khoán, chúng ta cũng cần có lộ trình cụ thể để tái cấu trúc.

Quốc hội quyết định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2012 tối đa là 10%, tức là một con số. Như vậy, câu hỏi các doanh nghiệp muốn biết trong chính sách lãi suất sắp tới là Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất dương về huy động tiền gửi hay không? Nếu dương, mức độ dương như thế nào? Liên quan đến lãi suất huy động thì lãi suất cho vay hiện nay chênh lệch khoảng 4-5%, sắp tới mức chênh lệch như thế nào để điều hành chính sách lãi suất?

Nếu trả lời được các câu hỏi này, chúng ta sẽ biết lãi suất sẽ giảm dần theo hướng nào.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, tôi đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung này. Tại nghị trường, Thống đốc chưa có điều kiện để trả lời. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thực chất lâu nay Việt Nam duy trì chính sách lãi suất thực dương - tức lấy lãi suất huy động trừ đi lạm phát phải là con số dương.

Năm 2011, chính sách này đã bị phá sản, bởi lãi suất huy động dù có cộng thêm 3-4% thì lãi suất thực vẫn dương. Vì vậy trong năm 2012, với lạm phát kỳ vọng 10%, thì không có lý do gì không kéo lãi suất huy động tiền VND xuống thấp hơn.

Một khi lãi suất huy động được kéo xuống, lãi suất cho vay sẽ giảm. Lãi suất huy động kéo xuống được hay không lại tùy thuộc vào khả năng ngân hàng trung ương có thể bơm được tiền, điều tiết thị trường. Trong 8 lĩnh vực ưu tiên được bơm vốn: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ... thay vì bơm chung cho tất cả các lĩnh vực, thì ngân hàng nên bơm riêng từng dự án. Hướng triển khai này sẽ giúp giảm áp lực cung - cầu vốn, do đó giảm lãi suất.

Lạm phát năm 2011 ở mức khoảng 18%, vậy chỉ tiêu lạm phát năm 2012 dưới 10% có hợp lý không? Đây là vấn đề Quốc hội đã thảo luận rất nhiều. Trước hết, ngay từ đầu tôi đã đề xuất với Chính phủ rằng: năm 2012 GDP tăng trưởng bao nhiêu cũng được, nhưng lạm phát phải là một con số.

Có thể nhiều người cho rằng đó là duy ý chí. Nhưng, làm kinh tế, làm vĩ mô, không có quyết tâm chính trị không làm được. Bởi, chúng ta không thể để một nền kinh tế lạm phát triền miên. Nếu tiếp tục lạm phát cao, sẽ không còn là vấn đề kinh tế nữa, mà sẽ là vấn đề chính trị - xã hội”.

“Đến ngân hàng lớn cũng run”

TS.Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

“Phải nói, chưa bao giờ lòng tin trong nội bộ hệ thống ngân hàng suy giảm mạnh mẽ như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ nợ xấu trên thị trường liên ngân hàng lại ngang ngửa thị trường 1 như bây giờ.

Không chỉ có các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn mà ngay đến các ngân hàng lớn - là chủ nợ của các ngân hàng nhỏ - cũng run cầm cập.

Năm 2000, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng là 500 triệu USD, tổng tài sản vào khoảng 10 tỷ USD. Đến năm 2011, vốn điều lệ lên tới 12,5 tỷ USD, tổng tài sản vào khoảng 180 tỷ USD. Chỉ trong vòng 10 năm, tổng vốn và tài sản tăng 18 lần.

Cùng với tốc độ đó, lẽ ra trình độ quản lý cũng tăng theo, nhưng thực tế vẫn là ông chủ đó với các triết lý quản lý cũ. Họ chủ yếu thành lập ngân hàng để tăng vốn cho tập đoàn, công ty của mình. Khi quản trị doanh nghiệp lạc hậu đương nhiên dẫn đến chất lượng tài sản thấp và nợ xấu cao.

Nhiệm vụ trước khi tái cấu trúc là phải biết con số thực về nợ xấu. Nếu không biết được con số này thì chương trình tái cấu trúc là vô nghĩa.

Và không chỉ có ngành ngân hàng, thị trường bất động sản cũng đang là mối lo lớn của Chính phủ. Báo cáo cho vay bất động sản bất động sản chỉ chiếm 10% vốn tự có? Ai có thể tin điều này. Do đó rủi ro trên thị trường bất động sản rất lớn. Phục hồi thị trường bất động sản, theo tôi, là cứu cánh cho các ngân hàng, cho cả nền kinh tế.

Năm 2012, mục tiêu của Chính phủ vẫn là thắt chặt, chính sách tài khóa và linh hoạt chính sách tiền tệ. Tái cấu trúc ngân hàng bước đầu có kết quả, không gây bất ổn hệ thống. Song song đó, Chính phủ có định hướng năm 2012 vẫn tiếp tục kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được, nhưng đồng thời vẫn phải duy trì tăng trưởng, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Do đó, chính sách tiền tệ trong năm sau sẽ linh hoạt hơn, doanh nghiệp có khả năng sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có chủ trương giảm, dãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, đây cũng là một phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Để phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng... thì Chính phủ phải chủ trương phục hồi lại thị trường tài sản. Đồng thời, việc làm này cũng rất cần thiết, tạo nền tảng để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng chính là thị trường chứng khoán. Vì vậy, muốn tái cấu trúc ngân hàng thì việc làm cần thiết là hỗ trợ cho cả hai thị trường này”.

“Đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc”

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có khoảng 624.000 doanh nghiệp đăng ký tính đến cuối năm 2011. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, chỉ có khoảng 413.000 doanh nghiệp hoạt động, có nộp thuế, trong khi đó theo Tổng cục Thống kê chỉ còn 386.000 hoạt động.

Đa số các doanh nghiệp đã đăng ký thiếu cơ sở tài chính vững chắc, phải dựa vào tín dụng ngân hàng, vay mượn phi hình thức để khởi nghiệp và kinh doanh; tính chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp còn thấp, đa số chỉ có ý tưởng kinh doanh, chưa có chiến lược phát triển rõ ràng dựa trên nghiên cứu thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh, không có chiến lược rút lui, không có chiến lược tối thiểu hóa chi phí.

Không những thế, phần lớn các doanh nghiệp này không phân biệt được giữa cơ hội thị trường và năng lực quản lý. Khi kinh doanh thuận lợi, không ít doanh nhân đã không tích lũy, dự phòng. Không ít doanh nghiệp đã mua sắm, tiêu xài xa xỉ để “khẳng định đẳng cấp”, thể hiện nhầm lẫn trong thước đo giá trị.

Trong năm 2012, theo tôi, doanh nghiệp cần làm phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) cho tình hình hiện nay và tương lai; đề ra các chương trình hành động có thứ tự ưu tiên và tập trung hoàn thành từng bước. “Đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc”, trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược lâu dài. Mặt khác, coi trong nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường bộ phận nhân sự về đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường hoạt động của các hiệp hội để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Và, doanh nghiệp cần xem khó khăn là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và vận dụng khoa học, công nghệ mới. Doanh nghiệp thực hiện các điều chỉnh về sản phẩm, thị trường phù hợp với điều kiện mới, liên doanh, liên kết để giảm chi phí sản xuất, đưa hàng về nông thôn.

Mặt khác, chủ doanh nghiệp cần thẳng thắn thảo luận tình hình của doanh nghiệp với toàn thể đội ngũ quản lý, thông báo đến từng người lao động để tranh thủ sự thông cảm, đồng thuận, phát huy sáng kiến, giải pháp. Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tín hiệu thị trường và tạm thời đình chỉ hoạt động, tránh “càng làm càng lỗ”, chấp nhận “phẫu thuật, chịu đau” để mạnh hơn”.

 Theo VnEconomy

 

 

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa