Kinh nghiệm từ chuyên gia quốc tế
Tham vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Bộ Xây dựng - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường BĐS phối hợp với UN-Habitat (tổ chức định cư con người của LHQ) tổ chức ngày 8/3 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc về nhà ở
Đánh giá về sự phát triển trong lĩnh vực nhà ở ở Việt Nam 20 năm qua, các chuyên gia quốc tế cho rằng: Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực nhà ở. Nhà ở không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn tăng trưởng về chất lượng và đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, dân số tăng nhanh, Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình, sự thay đổi lối sống… đang đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức trong việc phát triển nhà ở thời gian tới. Chiến lược nhà ở quốc gia đã đưa ra nhiều vấn đề, bên cạnh thành tựu, Việt Nam cũng nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại bất cập, xác định nguyên nhân và biện pháp giải quyết.
Cần cải thiện chính sách nhà ở
TS Nguyễn Quang - Giám đốc chương trình UN-Habitat tại Việt Nam nhấn mạnh: Mục tiêu của Chiến lược nhà ở chính là cải thiện hệ thống cung cấp nhà ở, cải thiện điều kiện sống cho người dân, đảm bảo mọi người dân tiếp cận nhà ở trong khả năng chi trả và đảm bảo tính bền vững.
Chính phủ phải đóng vai trò lãnh đạo trong việc cải thiện khung pháp lý, đồng thời, chính sách cần được xây dựng trên cơ sở hiểu rõ các vấn đề đang là rào cản quyền tiếp cận nhà ở. “Kinh nghiệm của UN-Habitat cho thấy Chính phủ nên giải quyết những nút thắt then chốt làm cản trở khu vực nhà ở thực hiện vai trò phát triển kinh tế, giảm đói nghèo thông qua các chính sách nhà ở dựa trên bằng chứng và có đủ thông tin.
Người dân có quyền tiếp cận nhà ở thích hợp khi được sở hữu an toàn (không bị cưỡng chế thu hồi), sự sẵn có của dịch vụ, cơ sở hạ tầng, tiện nghi, vị trí, điều kiện sống tốt, khả năng chi trả và phù hợp về văn hóa” - TS Nguyễn Quang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên dựa trên những số liệu thực tế để đưa ra những phân tích sâu hơn, từ đó xác định thứ tự ưu tiên, đồng thời nghiên cứu thêm về các giải pháp, sự điều phối giữa các giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, người dân và cộng đồng để giải quyết những tồn tại bất cập một cách triệt để.
Kinh nghiệm từ Thái Lan và Philipin cho thấy, nếu không căn cứ vào nhu cầu thực tế, không xác định rõ bao nhiêu người có nhu cầu nhà ở, nhà ở loại nào và người dân muốn sống ở khu vực nào thì sau khi xây xong nhà nhu cầu của người dân vẫn không được đáp ứng tốt, nơi thiếu nơi thừa, căn nhà thì quá to, căn thì quá nhỏ. Vai trò của nhà nước đến đâu, sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như làm thế nào để thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển nhà ở cũng là vấn đề cần được làm rõ.
Quan tâm đặc biệt đến người nghèo
Cách thức và phương pháp giải quyết nhà ở cho người nghèo, đặc biệt người dân nghèo sống trong các “ổ chuột” tại các thành phố, người dân bị tổn thương do thiên tai… được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh. Bà Lowie Rosales - Văn phòng vùng Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: Mục tiêu của chiến lược nhà ở là nhằm đảm bảo mọi người dân có nhà ở phù hợp và đầy đủ, đặc biệt đối với người dân nghèo. Tầm nhìn của Chiến lược nhà ở là không ai bị loại bỏ khỏi chiến lược này.
Bà Lowie Rosales chia sẻ: Kinh nghiệm của UN-Habitat khi triển khai Chương trình Triệu ngôi nhà của Sri Lanka sau thảm họa Tsunami cho thấy những dự án mà các nhà chức trách chịu trách nhiệm sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp thiết kế, cơ chế kiểm soát tốn nhiều thời gian và tiền bạc, đối tượng hưởng lợi lại bị hạn chế, trong khi đó khi người dân đứng ra chịu trách nhiệm xây dựng, được các tổ chức hỗ trợ sẽ giúp tối ưu hóa chi phí, người dân hài lòng hơn và đối tượng hưởng lợi cũng nhiều hơn. Kinh nghiệm ở một số nước đang phát triển cho thấy người dân tự xây nhà ở là chủ yếu và chính quyền, các tổ chức chỉ hỗ trợ người dân.
Điều đáng mừng là Việt Nam ít có khu nhà ổ chuột nhưng người dân nghèo, đặc biệt người thu nhập thấp tại đô thị gặp khó khăn trong tiếp cận nhà ở. Vì vậy, Chiến lược Nhà ở đã đề ra mục tiêu cũng như giải pháp nhằm giải quyết tốt nhà ở cho các đối tượng chính sách và người nghèo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS cho biết: Tổ soạn thảo Chiến lược sẽ tiếp thu ý kiến các chuyên gia, tiếp tục hoàn thiện để Chiến lược Nhà ở quốc gia được hoàn thiện, có tính khả thi cao và đi vào cuộc sống.
Theo Báo Xây Dựng