"Không giảm giá doanh nghiệp sẽ chết thê thảm" - Tin thị trường - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

"Không giảm giá doanh nghiệp sẽ chết thê thảm" - Tin thị trường - Bài viết

"Không giảm giá doanh nghiệp sẽ chết thê thảm"

 

Cố thủ giữ giá với hy vọng mong manh bảo toàn vốn hay giảm giá để giải phóng hàng, giới chuyên gia khuyên trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp nên chọn hướng thứ hai bởi nếu chết cũng là cái chết có ý nghĩa.

Từng tháo chạy khỏi bất động sản trong cuộc khủng hoảng cách đây 3 năm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xi măng Đỉnh cao, Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: "Tôi hiểu khó khăn của doanh nghiệp lúc này nhưng đừng thụ động chờ cho tới lúc được Chính phủ cứu. Doanh nghiệp hãy tìm lối thoát trước khi quá muộn. Thiết thực nhất là hãy tiếp tục giảm giá".

Ông Phước bộc bạch, thời điểm ông thoát ly khỏi thị trường bất động sản là năm 2009. Cuộc tháo chạy đó cũng khiến doanh nghiệp ông "thương tích" đầy mình, đến nay vẫn còn sót lại một số bất động sản chưa xử lý xong. Tuy nhiên, may mắn là ông đã tránh được cuộc khủng hoảng nặng nề hơn sau này.

Theo ông Phước, dù giá địa ốc đã giảm khá mạnh (20-35%) trong thời gian qua nhưng vì thu nhập thấp nên người dân vẫn không đủ tiền mua nhà. Với lượng tồn kho nhiều như hiện nay, bán rẻ để thu được tiền về vẫn tốt hơn là không bán được hàng dẫn đến sa lầy. Vì thế, chủ đầu tư nên chủ động giảm giá, làm mọi cách hỗ trợ khách hàng mua nhà để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Khu Nam TP HCM là một trong những điểm nóng có giá căn hộ giảm mạnh trong năm 2011. Ảnh: Vũ Lê

"Không giảm giá doanh nghiệp sẽ chết thê thảm. Giảm giá giúp người dân mua được nhà thì cái chết có ý nghĩa hơn, nếu may mắn có thể vượt qua và sống sót", ông Phước nói.

Chuyên gia này cho rằng, Hiệp hội bất động sản có thể kiến nghị Nhà nước giảm thuế, áp dụng lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, kết hợp với chủ đầu tư chủ động giảm giá sẽ hỗ trợ khách hàng nhiều hơn, giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Tại Đêm bất động sản lần thứ 39, nguyên Phó viện trưởng Viện thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) Vũ Đình Ánh phân tích: "Dù không dễ giảm giá địa ốc nhưng tùy từng hoàn cảnh, doanh nghiệp hãy chấp nhận phá giá sản phẩm nếu xét thấy việc đó là cần thiết".

Theo ông Ánh, nỗi lo lớn nhất của chủ đầu tư trong thời điểm này là làm thế nào để giải quyết được hàng tồn kho. Chính vì thế, chính sách khuyến mãi, cạnh tranh về giá, giảm giá, bán tháo hay phá giá là hết sức bình thường. Ông còn khuyên các công ty địa ốc đang yếu kém đừng xấu hổ khi phải rút khỏi thị trường. Thậm chí chủ động chuyển đổi ngành nghề khác phù hợp hơn đôi khi lại là quyết định sáng suốt.

"Đừng đả phá việc giảm giá bất động sản mà hãy xem đó là giải pháp để tìm ra lối thoát. Cá nhân tôi ủng hộ việc một số chủ đầu tư mạnh dạn giảm giá căn hộ vì điều này cho thấy doanh nghiệp chủ động gỡ thế bế tắc cho mình", ông Ánh nói.

Người mua nhà đất vẫn kỳ vọng giá bất động sản giảm thêm. Ảnh: Vũ Lê

Tổng thư ký thường trực Hiệp hội bất động sản TP HCM Đỗ Thị Loan cho biết, thời điểm này có nhiều doanh nghiệp muốn thoát khỏi thị trường địa ốc nhưng vướng nợ trong nợ ngoài nên loay hoay không biết thoát ra bằng cách nào.

Trong khi nhiều quan điểm cho rằng việc giảm giá nhà đất là lối thoát cuối cùng thì Bộ Xây dựng đang chuẩn bị nhiều giải pháp "nâng đỡ" thị trường bất động sản. Tại hội thảo Vực dậy nguồn lực bất động sản diễn ra cuối tháng 5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận thị trường địa ốc đang gặp vô vàn khó khăn, cần nhiều giải pháp cấp bách.

Gói giải pháp đang được Bộ Xây dựng chuẩn bị gồm: kiến nghị đưa một số dự án, doanh nghiệp bất động sản vào diện tháo gỡ của Nghị quyết 13. Đưa một số giao dịch nhà đất vào diện miễn và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Chẳng hạn như nhà ở thương mại dưới 90 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2 sẽ được hưởng thuế suất VAT 5%, giảm một nửa so với hiện nay.

Ông Nam cho hay, dự kiến trong tháng 6 Bộ Xây dựng sẽ trình chính phủ 2 đề áp quỹ tiết kiệm cho người nghèo có sự hỗ trợ của nhà nước và quỹ tiết kiệm cho người trung lưu hỗ trợ cho người mua. Sắp tới sẽ có một số cơ chế chính sách nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở cho thuê, thu tiền hàng tháng.

Quan điểm của ông Nam là doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, xây dựng lại chiến lược giá thành phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. "Doanh nghiệp cũng không nên ngồi chờ Nhà nước ban hành cơ chế chính sách mà phải chủ động tham gia vào các đề xuất tìm ra giải pháp vực dậy thị trường", ông nhấn mạnh.

Theo ông Nam, cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc thời gian qua bất động sản phát triển không có kế hoạch, thiếu kiểm soát dẫn đến mất cân đối nguồn lực tài chính. Trong đó, có một phần sai sót của doanh nghiệp vì không kiểm soát được dòng tiền, không sử dụng vốn đúng mục đích, thiếu nghiên cứu thị trường nên sản phẩm không phù hợp. "Bản thân doanh nghiệp cần rút kin nghiệm điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh", ông Nam nhận xét.

Thống kê của Bộ Xây dựng, bất động sản khốn đốn khiến các ngành phụ trợ cũng lâm nguy. Xi măng tồn kho 3 triệu tấn. Vật liệu ốp lát tồn đọng 50 triệu m2. Kính xây dựng tồn 5 tháng sản xuất. Thép lưu kho 225.000 tấn. Nhiều nhà máy xi măng đóng cửa. Các công ty xây lắp không dám thi công vì làm là vướng nợ.

Theo VnExpress

 

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa