Hoạt động giải chấp gặp khó khăn
Nhu cầu bán tài sản (chủ yếu là bất động sản) thế chấp tại nhiều ngân hàng ngày một gia tăng theo tốc độ tăng của nợ xấu. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đóng băng khiến hoạt động giải chấp gặp khó khăn, thiệt thòi nhất là các con nợ khi phải bán tháo tài sản.
Tình trạng bất động sản đóng băng đang gây khó cho nhu cầu giải chấp của các ngân hàng. Ảnh: Ca Hảo |
Trưởng phòng thu nợ một ngân hàng TMCP tại Hà Nội, cho biết, hiện nhu cầu bán tài sản thế chấp của khách hàng tại ngân hàng rất lớn. Ông này cho biết thêm, bất động sản khách hàng của ngân hàng cần bán có đủ mức giá, ở đủ vị trí, nội, ngoại thành Hà Nội. Giá thì từ 2 – 3 tỉ đồng đến 20 – 30 tỉ đồng/căn đều có.
Bán đổ bán tháo
Cũng theo ông này, với các khách hàng đang ở thế khó hoặc mất khả năng trả nợ, ngân hàng chủ yếu thoả thuận để khách tự bán tài sản thế chấp trong một thời hạn nhất định (thường là từ 15 ngày đến một tháng). Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, bộ phận thu hồi nợ của ngân hàng cũng hỗ trợ tìm kiếm khách hàng. Sau khi đã thoả thuận được giá cả, ngân hàng sẽ làm trung gian thực hiện các thủ tục cần thiết, sổ đỏ thì ngân hàng đã nắm giữ, nên thời gian chuyển nhượng sẽ rất nhanh chóng. Thậm chí, để nhanh thu hồi được nợ, ngân hàng cũng ép “con nợ” bán rẻ tài sản.
“Tuần trước, chúng tôi vừa ép một khách hàng bán một một căn nhà ở quận Hoàn Kiếm giá 8,7 tỉ đồng, dù giá thị trường khoảng 13 tỉ đồng”, ông cho biết. Ngoài ra, với những tài sản từ 5 – 7 tỉ đồng trở lên, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ tài chính, lên tới 50% giá trị, với lãi suất ưu đãi. Trường hợp hãn hữu ngân hàng mới tiến hành phát mãi. Vị trưởng phòng giải thích: “Để phát mãi, phải đưa nhau ra toà, vừa tốn phí, vừa ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của cả con nợ lẫn chủ nợ”.
Giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội xác nhận, hiện công ty đang có nguồn hàng dồi dào – vốn là tài sản thế chấp của các ngân hàng. Ông cho biết vừa môi giới bán thành công một căn hộ liền kề của khách hàng Techcombank tại khu đô thị Xa La, rộng 145m2, ba mặt tiền, giá có 50 triệu đồng/m2, trong khi giá rao ban đầu đã tới 80 triệu đồng/m2.
Tài sản càng lớn càng khó xử lý
Theo một chuyên gia tài chính, có tới 60% nợ xấu của hệ thống ngân hàng có tài sản thế chấp có thể bán được. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động giải chấp vẫn chưa sôi động, phần vì các ngân hàng đang xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro, phần khác, vì thị trường bất động sản đang trầm lắng, có muốn bán ra cũng khó. Ngân hàng cũng phải lựa từng dự án, từng khách hàng mà xử lý, chứ nếu bán ồ ạt sẽ bội thực cung, khả năng thu hồi vốn càng khó khăn.
Những vụ giải chấp, phần nhiều là những tài sản có giá trị thấp, từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng, hầu như chưa có trường hợp giá trị lớn nào vì nền kinh tế đang khó khăn, rất khó để tìm kiếm đối tác có đủ năng lực bỏ ra ngay một lúc cả trăm tỉ đồng. Cách làm tốt nhất là phải thoả thuận với khách hàng và cùng khách hàng xử lý, chứ kéo nhau ra toà vừa tốn kém, vừa “được vạ má sưng”.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội, cho biết, nhiều trường hợp có tài sản thế chấp nhưng xử lý cũng rất khó khăn. Đơn cử như trường hợp công ty Thái Sơn, ngân hàng này là một trong 13 chủ nợ của doanh nghiệp. Tài sản thế chấp của công ty cũng rất lớn, bao gồm đất đai, nhà xưởng, hàng hoá. Tuy nhiên, hiện chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty này đã bị bắt giam, khả năng tự xử lý tài sản rất khó. Trường hợp buộc phải phát mãi tài sản, các ngân hàng chủ nợ ngồi với nhau, thu xếp, phân chia khối tài sản đó như thế nào không dễ dàng.
Chuyên gia tài chính nói trên cho rằng, trường hợp như Thái Sơn không phải ít. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp có tài sản hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, đem thế chấp và vay vốn cùng lúc ở nhiều ngân hàng khác nhau. Khả năng tìm được khách mua khối tài sản đó đã khó, bán được rồi, phân chia nguồn tiền này như thế nào càng khó. “Trong trường hợp đó nên có sự tham gia của ngân hàng Nhà nước”, ông này khuyến nghị.
Theo SGTT