Hầm Thủ Thiêm rất an toàn
Hôm nay (20-11), hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây được thông xe trong niềm tự hào của người dân TPHCM
Chống thấm vượt yêu cầu
Ông Ryuji Manai, Giám đốc dự án đại lộ Đông Tây, cho biết công nghệ mà nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) sử dụng xây dựng hầm Thủ Thiêm không có gì quá đặc biệt ngoài việc sử dụng chất dẻo bọc các khớp nối giữa 2 đốt hầm để chống thấm. Về vấn đề rạn nứt ở các đốt hầm, ông Ryuji Manai khẳng định các điểm thấm nước đã dừng hẳn.
Theo Hiệp hội Hầm thế giới, mức độ thấm nước của các loại hầm được xem là an toàn khi nằm dưới ngưỡng 5 ml/m2/giờ. “Hiện tại, trong hầm Thủ Thiêm không có giọt nước nào, nhà thầu đã hoàn tất công việc chống thấm vượt cả yêu cầu kỹ thuật mà thế giới đề ra” - ông Ryuji Manai nói.
Thiết bị vận hành và cứu trợ khẩn cấp trong hầm Thủ Thiêm đã được UBND TPHCM xác nhận đạt yêu cầu |
Theo ông Ryuji Manai, 2 máy bơm công suất lớn đặt ở 2 đầu hầm Thủ Thiêm có thể đối phó được những cơn mưa với vũ lượng 100 mm. Bên cạnh đó, hầm Thủ Thiêm nằm ở cao độ 1,85 m so với mực nước biển nên không cần quá lo lắng đến chuyện nước biển dâng. Về vấn đề tiếng ồn trong hầm, ông Ryuji Manai cho biết nhà thầu đã lắp đặt những tấm ván trên tường hầm để giảm bớt. “Thiết bị vận hành và cứu trợ khẩn cấp trong hầm Thủ Thiêm cũng đã được UBND TP xác nhận đạt yêu cầu” - ông Kakihara Yoshiki, Phó Giám đốc dự án đại lộ Đông Tây, nói.
Luôn quan tâm công tác bảo trì
Toàn bộ tuyến đường được bảo hành một năm theo hợp đồng quốc tế FIDIC (Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn) giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Theo đó, đường Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng từ ngày 2-9-2009, đến nay đã hết hạn bảo hành. Còn phần đường mới Thủ Thiêm và hầm Thủ Thiêm sẽ hết hạn bảo hành từ ngày 20-11-2012. “Sau khi hết hạn bảo hành, chủ đầu tư muốn nhà thầu bảo trì thì phải trả một mức phí nhất định. JICA sẽ tiếp tục theo dõi công tác vận hành của công trình này. Trong trường hợp sự cố xảy ra, JICA sẽ hợp tác với TPHCM để xử lý” - ông Ryuji Manai cho biết.
Ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam, tâm sự: “Đã tham gia dự án này từ những năm cuối thập kỷ 1990 nên tôi rất vui mừng khi nhận thấy một diện mạo mới hoàn toàn so với những năm trước đây. Chắc chắn sự đổi thay sẽ không dừng ở đây và tôi hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai thịnh vượng của khu vực Thủ Thiêm sau khi hoàn thành dự án đại lộ Đông Tây”. Ông Ryuji Manai cho rằng đại lộ Đông Tây sẽ góp phần kiến tạo một cửa ngõ chính vào trung tâm TP, giảm ùn tắc giao thông trên cầu Sài Gòn và các đường trục chính trong trung tâm TP, mở ra cửa ngõ vào khu vực Thủ Thiêm từ trung tâm TP, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trung tâm thương mại mới tại khu vực này…
Đại lộ Đông Tây đi xuyên tâm TP, qua các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Toàn tuyến dài 21,89 km; điểm đầu giao với Quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh; điểm cuối giao với xa lộ Hà Nội, quận 2. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 9.863 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA từ JICA là 6.393 tỉ đồng.
Điểm nhấn của đại lộ Đông Tây
Hầm Thủ Thiêm được xem là điểm nhấn quan trọng của đại lộ Đông Tây. Hầm dài 1.490 m, trong đó phần hầm dìm dưới sông dài 370 m, phần còn lại là đường dẫn vào hầm. Theo tính toán, có khoảng 29.000 - 30.000 lượt xe qua hầm/ngày đêm.
- Tháng 9-2007, nhà thầu Obayashi đổ mẻ bê tông đầu tiên đốt hầm. Công trường được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai.
- Ngày 7-3-2010, đốt hầm đầu tiên được kéo từ sông Lòng Tàu về sông Sài Gòn trên quãng đường gần 22 km.
- Ngày 10-3-2010, đốt hầm đầu tiên đã được đặt đúng vị trí dưới lòng sông Sài Gòn.
- Lần lượt từ tháng 4-2010 đến tháng 6-2010, 3 đốt hầm còn lại được kéo về và đặt thành công vào đường hầm dưới lòng sông Sài Gòn.
- Ngày 4-8-2010, bắt đầu thi công hợp long nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía quận 1 và đến ngày 4-9-2010 thì hoàn tất việc hợp long.
- Ngày 21-9-2010, tổ chức lễ hợp long.