Hà Nội: Sẽ có biện pháp mạnh đối với dự án "hoang" - Tin thị trường - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

Hà Nội: Sẽ có biện pháp mạnh đối với dự án "hoang" - Tin thị trường - Bài viết

Hà Nội: Sẽ có biện pháp mạnh đối với dự án "hoang"

Sau thời gian phát triển ồ ạt, Hà Nội hiện có nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của, làm mất mỹ quan đô thị. Sắp tới, cơ quan quản lý sẽ có nhiều biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng này.

Dự án "hoang"

Khảo sát của PV tại huyện Mê Linh cho thấy, nhiều dự án bất động sản đang trong tình trạng bỏ hoang như Dự án Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được đưa vào sử dụng, Dự án Quang Minh 2 có đến một nửa số biệt thự và nhà liền kề bỏ hoang. Bên cạnh đó, dự án của Vinaconex 2 cũng trong tình trạng tương tự, hàng trăm căn biệt thự được xây dựng nhưng đều chưa có người đến ở.

Khu đô thị Hà Phong ở khu vực này trước đây là một điểm nóng trong cơn sốt đất. Quy mô dự án lên tới 37 héc-ta, nhưng sau nhiều năm triển khai, hiện mới chỉ có vài chục căn nhà được xây dựng. Các tuyến đường nội bộ cỏ hoang mọc đầy.

UBND huyện Mê Linh cho biết, 49 dự án bất động sản, khu đô thị được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương đầu tư từ trước khi Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội. Vấn đề nhức nhối hiện nay là tiến độ hầu hết các dự án đều quá chậm so với yêu cầu. Về giải phóng mặt bằng, mới chỉ có 16 dự án bước đầu triển khai, 33 dự án vẫn án binh bất động.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại một loạt dự án dọc Đường 32, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Vân Canh hay khu vực Bắc An Khánh, Nam An Khánh.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 2.500 dự án đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại nhiều dự án cho thấy, tỷ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là các nhà ở loại biệt thự, nhà liền kề tại các dự án có vị trí xa trung tâm hoặc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ.

Trong 18 dự án được kiểm tra, những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là Dự án Khu nhà ở Quang Minh 1, Quang Minh 2, Khu đô thị mới Dịch Vọng, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều châu Âu. Một số dự án cơ bản đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như Khu đô thị Mỹ Đình II, Khu đô thị mới Trung Yên cũng còn không ít căn liền kề, biệt thự chưa đưa vào sử dụng.

Biện pháp mạnh

Theo Bộ Xây dựng, tình trạng các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện dẫn đến có nhiều dự án phát triển khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Một chuyên gia ngành xây dựng cho rằng, nguyên nhân tình trạng nhiều dự án bỏ hoang cũng do quản lý còn lỏng lẻo. Các cơ quan quản lý chưa thẩm định được năng lực của chủ đầu tư, dẫn tới nhiều dự án mới chỉ triển khai ở giai đoạn cơ sở hạ tầng, phân lô bán nền rồi dừng do thiếu vốn.

Để chấn chỉnh thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã kiến nghị xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ phê duyệt dự án chung cư có tối đa 20% căn hộ cao cấp hoặc quy định tỷ lệ nhà liền kề, biệt thự chiếm tối đa 20%, 80% phải là chung cư. Khi thị trường hướng vào đại đa số người dân có nhu cầu thật, khả năng thanh toán sẽ cao hơn, giảm tình trạng nhà bỏ không.

Theo các chuyên gia của Bộ Tài chính, để giải quyết dứt điểm tình trạng đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng trong các khu đô thị, dự án xây dựng nhà ở như hiện nay thì dùng các biện pháp mạnh về kinh tế là cần thiết.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đưa ra biện pháp, căn cứ vào cam kết của chủ đầu tư với chính quyền địa phương về tiến độ thực hiện dự án, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử phạt hành chính.

Ông Hà nhận định: "Việc đánh thuế sẽ được đưa vào sử dụng. Các chủ đầu tư sẽ bị đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chủ đầu tư nào sử dụng nhiều đất sẽ bị đánh thuế cao".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản hiện nay không đáp ứng đủ điều kiện, vốn pháp định chỉ có 6 tỷ đồng, sắp tới sẽ nâng cao điều kiện để tập trung doanh nghiệp lớn, tiềm năng. Quy định của pháp luật sẽ theo hướng nâng cao điều kiện tham gia thị trường bất động sản của các doanh nghiệp.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

 

 

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa