Giảm giá hay "chết"?
“Giảm giá hay là chết” là điều đã được các công ty quản lý và kinh doanh văn phòng cho thuê nhắc tới, nhưng dù có giảm giá thì cũng chưa chắc đã sống.
Nhà cho thuê có thời đắt đỏ, nó như “của quý” không sợ thiếu khách. Thế nhưng, kinh tế khó khăn, DN thu hẹp kinh doanh thì lĩnh vực cho thuê văn phòng cũng đi xuống. Ảnh minh họa |
Vì thế, giải cho ra bài toán “sống còn” là trách nhiệm nặng nề của CEO các công ty này.
Một dự báo được đưa ra cách đây chưa lâu của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, giá thuê văn phòng hạng A và B tại TP.HCM sẽ tiếp tục đi xuống trong 6 tháng tới, tỷ lệ giảm trong cả năm 2012 dự kiến là 10%. Công ty này thậm chí còn cho rằng, thị trường chỉ có thể phục hồi trong giai đoạn 2013-2014.
Trong khi đó, theo khảo sát của Colliers International Việt Nam, trong quý II/2012, văn phòng hạng A, B có giá chào thuê trung bình giảm còn 20-33 USD/m2/tháng. Colliers không dự báo thời điểm thị trường phục hồi, nhưng cho rằng, nửa cuối năm 2012, TP.HCM sẽ có 65.000 m2 văn phòng mới và áp lực giảm giá sẽ rất lớn.
Còn ở Hà Nội, theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE, chỉ trong quý II/2012, thị trường đã đón nhận hai dự án hạng B mới đi vào hoạt động là DETECH Tower và ICON4 Tower, bổ sung hơn 30.000 m2 mặt bằng văn phòng cho thuê. Tháng 8, tòa nhà Hapro Building cũng bắt đầu chào thuê, dự kiến bổ sung thêm 9.600 m2 nữa chỉ trong khu vực Đống Đa, Ba Đình.
Nguồn cung vẫn tiếp tục được bổ sung, trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn, khiến áp lực giảm giá văn phòng cho thuê ngày càng nặng nề, không chỉ ở Hà Nội hay TP.HCM. Tại Hà Nội giữa tháng 7/2012, các khu văn phòng cho thuê cao cấp như Tòa nhà Chamrvit giảm giá cho thuê xuống còn 24-25 USD/m2/tháng, đã bao gồm thuế VAT và dịch vụ. Giá thuê tại The Manor cũng giảm xuống còn 15-16 USD/m2. Ngay cả Keangnam cũng giảm giá xuống còn 20-25 USD/m2 so với mức giá lên tới 28 -30 USD/m2 trước đó.
“Đến thời điểm hiện tại, nguồn cung văn phòng cho thuê ước tính đủ dùng trong vòng 5 năm tới. Điều này cũng có nghĩa rằng, cơ hội dành cho các nhà đầu tư mới hoặc có ý định bước chân vào thị trường này trong thời gian sắp tới là vô cùng khó khăn”, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn bất động sản SohoVietnam nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Thực tế cho thấy, xu hướng giảm giá văn phòng cho thuê đã bắt đầu từ năm 2010 trở lại đây, sau một thời hoàng kim, khi giá cho thuê thuộc diện cao ngất ngưởng, còn các công ty quản lý và kinh doanh văn phòng cho thuê chỉ có lãi và lãi lớn mà không có lỗ. Tìm thông tin trên mạng, rất dễ để thấy những “thông điệp” như “giá thuê văn phòng TP.HCM 4 sau năm giảm còn một nửa”, “văn phòng cho thuê: nguồn cung tăng, giá tiếp tục giảm”…
Câu chuyện nằm ở chỗ, khi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách tìm thuê văn phòng ở khu xa trung tâm, hoặc tìm những khu văn phòng giá rẻ, thậm chí là chấp nhận sử dụng dịch vụ văn phòng ảo, mà Regus là một trong những nhà cung cấp hàng đầu ở Việt Nam. Điều này buộc các công ty quản lý và kinh doanh văn phòng cho thuê phải liên tục giảm giá để cạnh tranh, thu hút khách. Không chỉ các khu văn phòng mới, mà cả các tòa nhà cũ, đã phủ kín khách cũng bắt đầu phải giảm giá cho thuê.
Nhưng giá sẽ giảm đến bao giờ và giảm đến mức nào? Bài toán được đặt ra đối với các công ty quản lý và kinh doanh văn phòng cũng không khác so với rất nhiều công ty dịch vụ khác, như du lịch, lữ hành, buộc phải giảm giá hoặc tung các chương trình khuyến mãi để hút khách. Gậy ông có thể đập lưng ông bất cứ khi nào, nếu cuộc đua giảm giá, vốn được cho là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, không có điểm dừng.
Không giảm giá thì khách hàng sẽ bỏ đi; nếu giảm giá thì với những tòa nhà cao cấp, vị trí trung tâm, chi phí lớn thì quả thật là một vấn đề không đơn giản. “Giảm giá hay là chết” là điều đã được các công ty này nói tới. Nhưng giảm giá thì cũng chưa chắc đã sống. Đúng là tiến thoái lưỡng nan.
Trao đổi về vấn đề này, đặt mình ở vị trí CEO của một công ty quản lý tòa nhà văn phòng gặp tình huống tương tự, ông Trương Anh Tú, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kinh doanh Dịch vụ Địa ốc Kim Gia Phú cho rằng, cần phải rà soát lại hợp đồng đã ký với khách hàng, tiếp tục đàm phán và thuyết phục khách hàng “ở lại”. Trong trường hợp phải giảm giá, thì sẽ không giảm giá cho khách hàng nhỏ, chỉ giảm giá cho một số khách hàng theo lộ trình và bằng cách đưa ra các gói tiện ích, cũng như so sánh giá và dịch vụ với các công ty khác để đàm phán với khách hàng.
“Sẽ phải tăng cường truyền thông để khách hàng thấy được giá trị của tòa nhà, rà soát và tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả làm việc của các nhân viên. Về dài hạn, nên đầu tư thêm thiết bị hỗ trợ dịch vụ để gia tăng giá trị cho tòa nhà, thậm chí có thể xem xét mở dịch vụ văn phòng ảo để cho thuê”, ông Tú đề xuất.
Theo Báo Đầu tư