E ngại vốn FDI vào BĐS
* Thưa ông, trong một bài phát biểu tại lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội BĐS Mỹ - Á và Hiệp hội BĐS Việt Nam, mới đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng Việt Nam kỳ vọng các dự án BĐS có vốn nước ngoài họ mang USD vào Việt Nam, nhưng thực tế họ đang huy động vốn từ tiềm lực của Việt Nam. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi nhận thấy, điểm lợi thì chưa nhiều, nhưng điểm bất lợi thì đã thấy xuất hiện tương đối nhiều.
Trước hết phải nói rằng, nguồn vốn FDI vào đã tạo được tăng trưởng GDP cho Việt Nam, mặc dù đóng góp của FDI cho nền kinh tế là không đáng kể (trên 10%). Khi nguồn vốn FDI đổ vào BĐS, bộ mặt đô thị có khởi sắc, đó là các dự án khách sạn, đô thị hiện đại như: Ciputra, Keangnam, Gand Plaza… Bên cạnh đó, việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam nói chung và BĐS nói riêng là cuộc chơi sòng phẳng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Và việc tạo được hành lang pháp lý tốt, thì các DN của chúng ta cũng sẽ nhận được điều kiện tương tự ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều chuyên gia và nhiều tỉnh thành cũng đã phân tích tính hiệu quả của các dự án FDI. Trên thực tế, số vốn đăng ký cao, con số thực hiện tương đối thấp. Một số DN nước ngoài còn có hiện tượng trốn thuế. Trên góc độ thị trường BĐS, khi các DN BĐS nước ngoài vào Việt Nam, họ tận dụng vốn góp của Việt Nam là rất vô nghĩa đối với chúng ta. Bởi chúng ta kỳ vọng vào vốn, công nghệ, cách quản lý của họ. Nhưng trên thực tế, họ đang huy động vốn của người dân Việt Nam, cách quản lý gây xung đột với người dân (dự án Keangnam). Đây là một thực trạng mà chúng ta chưa có giải pháp quản lý nào.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, cần xem xét lại hiệu quả của nguồn vốn FDI, bởi Việt Nam mất nhiều thứ và thu lại chẳng đáng là bao. Chẳng hạn là giao đất, giao mặt bằng, lao động được trả lương thấp, thậm chí nhiều DN FDI không sử dụng lao động Việt Nam...
GS Nguyễn Quang Thái cũng đã lên tiếng, Chính phủ cần xem xét lại nguồn vốn FDI. Việt Nam đến một giai đoạn phát triển nhất định không nhất thiết phải lôi kéo FDI bằng mọi giá. Và cứ để tình trạng này, thì vấn đề bất lợi xảy ra là nhiều hơn.
* Đã có một thời Casino Đồ Sơn bị công luận lên tiếng vì nước ngoài thuê ở vị trí đắc địa, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng; một số dự án BĐS có vốn FDI "án ngữ" những vị trí quan trọng khác ở Thủ đô; một số dự án thuê đất, rừng ở khu vực biên giới… Ông đánh giá như thế nào về vị trí của các dự án này?
- Pháp luật Việt Nam đã tính tới việc bảo đảm an ninh quốc phòng cho các dự án BĐS đầu tư. Bởi đối với việc quy hoạch sử dụng đất hay khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chọn địa điểm bao giờ cũng có ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ chỉ huy Quân sự của tỉnh đó. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế cũng có thể nảy sinh một số vấn đề:
Khi triển khai một dự án, cơ quan thẩm quyền là Sở KH&ĐT, Sở TN&MT tiến hành xin ý kiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành đó, nhưng có nhiều dự án không xin ý kiến. Nếu dự án suôn sẻ thì không sao. nhưng khi công luận lên tiếng về những bất cập của các dự án đó thì mới trở thành sự kiện. Chẳng hạn như các địa phương miền núi phía Bắc cho Đài Loan, Hồng Kông thuê đất rừng. Qua xảy ra sự kiện này mới biết khi triển khai, cơ quan cấp phép không thông qua ý kiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
* Nhiều dự án cũng đã thông qua ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đôi khi cơ quan quân sự cũng chưa tính hết khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và đã chấp thuận. Như Keangnam là một ví dụ. Dự án này nằm ở vị trí trung tâm mới của Thủ đô. Đây là dự án cao nhất nước (đến thời điểm hiện tại). Mới đây nhất đã nảy sinh vấn đề chủ đầu tư không cho người dân treo cờ Tổ quốc. Liệu với vị trí cao nhất Thủ đô như hiện nay thì sẽ tiếp tục diễn ra vấn đề gì? Có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay không?
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các dự án quan trọng Trung ương quyết, chứ địa phương không quyết được. Chẳng hạn như dự án cho thuê đất rừng đã không tính tới yếu tố bất lợi sau này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Có một thực tế không ổn là, hiện nay quy chế quản lý dự án nước ngoài là nhường quyền quá lớn cho vốn FDI. Nhiều dự án khi đã thuộc người nước ngoài quản lý, người Việt Nam không được vào, như thuê đất rừng hoặc khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên là một ví dụ điển hình. Tại sao trên đất Việt Nam mà người Việt Nam lại không được tới?
* Để triển khai các dự án BĐS có vốn FDI, Việt Nam cần phải làm gì có thể đạt được hiệu quả về kinh tế?
- Khi tham gia WTO, các nước cần phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng trong lĩnh vực BĐS, chúng ta cần xây dựng một hàng rào kỹ thuật (cần nhớ là hàng rào kỹ thuật chứ không phải hàng rào thuế quan) cho các DN FDI khi tham gia dự án BĐS, tức là tạo ra một quy định là các dự án này không được phép huy động vốn đóng góp từ người dân Việt Nam. Có như vậy, thì chúng ta mới có thể thu hút được FDI vào Việt Nam theo đúng nghĩa.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Báo Xây Dựng