DN bất động sản Việt Nam thiệt thòi trên sân nhà
Đang có những bất hợp lý trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Các doanh nghiệp bất động sản trong nước mong muốn các cơ quan chức năng trợ giúp để được cạnh tranh lành mạnh ngay trên sân nhà.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế đã phát sinh nhiều hệ lụy trong quá trình các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.
Qua khảo sát cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký số vốn điều lệ thấp (thường chỉ là 20% tổng số vốn đầu tư). Con số này chỉ đủ đáp ứng điều kiện theo Luật Kinh doanh Bất động sản và các doanh nghiệp này không vay từ nước ngoài để chuyển vốn vào Việt Nam kinh doanh.
Nguồn vốn hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang huy động lại được vay từ chính các tổ chức tín dụng trong nước hoặc thông qua nhiều hình thức khác nhau từ khách hàng Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho việc thu hút vốn FDI không như kỳ vọng mà còn làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, vào thời điểm nguồn vốn dành cho lĩnh vực bất động sản đang bị siết chặt như hiện nay thì miếng bánh bị san sẻ càng khiến các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần xem xét lại một số quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Bởi theo Luật Đầu tư thì quyền của nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước trong việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ cũng như đất đai và tài nguyên theo quy định.
Mặt khác các quy định về: tỷ lệ vốn tối thiểu của các nhà đầu tư trong dự án bất động sản; tỷ lệ vốn tối thiểu của các nhà đầu tư trong các dự án nhà ở thương mại; tỷ lệ vốn tối thiểu của các nhà đầu tư trong dự án Khu đô thị; tỷ lệ vốn tối thiểu (20%) mà các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần phải đăng ký mua... đã tạo sân chơi quá thoáng khiến nhà đầu tư nội phải chịu thiệt thòi trước nhà đầu tư ngoại ngay trên sân nhà.
Theo đó, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan sẽ theo hướng đảm bảo kiểm soát được hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam . Cơ quan chức năng sẽ đề xuất biện pháp không khuyến khích và hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều vốn vay, tỷ lệ sử dụng ngoại tệ cao, đặc biệt là nhóm bất động sản.
Theo TTXVN/Vietnam+