Cơ hội phá băng cho bất động sản
Gần 500.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch giải ngân Chính phủ… sẽ khiến thị trường bất động sản giải tỏa cơn khát vốn trong những tháng cuối năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị Chính phủ đừng coi BĐS là “con ghẻ”, BĐS cần phải được hưởng ưu tiên như 4 đối tượng trong Nghị quyết 13, đồng thời giãn tiếp số thuế trong năm 2012 chứ không chỉ quý II. Đại diện Ngân hàng Á châu cùng thừa nhận thực tế các tổ chức tín dụng dù thừa vốn nhưng chưa sẵn sàng mở cửa cho doanh nghiệp BĐS.
Cơ hội phá băng
90% dự án BĐS chậm tiến độ Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết hơn 90% dự án bất động sản tại thành phố đang bị chậm tiến độ. Có khá nhiều dự án sau khi công bố chào bán lại dừng thi công. Ước tính có đến 70% dự án đã ngưng hẳn thi công. Theo nhận định của các doanh nghiệp trong ngành, phần lớn dự án xây dựng dở dang ít nhiều đã bán được hàng. Song doanh nghiệp không có vốn để tiếp tục xây dựng nên khách hàng không tiếp tục đóng tiền. Doanh nghiệp lại không vay được vốn ngân hàng hoặc vay được nhưng lãi suất cao nên phải tạm dừng đầu tư. |
Ông Lã Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cũng cho rằng chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay đang ở mức âm, mà theo kế hoạch đặt ra phải tăng trưởng ở mức 15 - 17%. Như vậy những tháng cuối năm tín dụng phải tăng trung bình 2 - 3% /tháng. Từ đó sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vốn dồi dào hơn… Việc giải ngân theo ngân sách sẽ kích thích đầu tư các công trình hạ tầng, mở đầu ra cho tồn kho xi măng và các loại vật liệu xây dựng. “Trong thời gian tới, tổng cầu thị trường sẽ được kéo lên một ngưỡng mới”, ông Thịnh dự đoán.
BĐS còn thêm nhiều cơ hội nữa từ chính sách và các yếu tố khách quan của thị trường. Đó là động thái giảm, giãn tiền thuê đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất… theo Nghị quyết 13 sẽ đỡ cho doanh nghiệp áp lực, không phải phạt chậm nộp. Xu hướng lãi suất tiết kiệm đang giảm dần, nguồn tiền lớn trong dân đang nằm ở các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, tiết kiệm… có thể quay về với BĐS. Nhiều ngân hàng đang ở trạng thái thừa vốn có chủ trương đẩy mạnh cho cá nhân vay tiêu dùng, các doanh nghiệp có nhu cầu mua sỉ dự án nhà ở, căn hộ cho cán bộ nhân viên, Nhà nước cũng có chính sách mua lại các dự án đã hoàn thiện làm nhà tái định cư, nhà cho người nghèo… Những yếu tố này, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng sẽ tạo ra một lượng cầu BĐS không hề nhỏ.
Tín dụng dần được nới, hâm nóng trở lại cho thị trường BĐS. |
Đừng coi BĐS là “con ghẻ”!
Dù đã có “điểm sáng”, nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, doanh nghiệp BĐS kỳ vọng nhiều vào Nghị quyết 13, song thực tế lãi suất cho vay vẫn không hạ, trần lãi suất đầu ra 15% chỉ áp dụng 4 nhóm đối tượng trong đó không có đối tượng BĐS. Ông Châu đề nghị BĐS cũng phải được hưởng ưu tiên, đồng thời giãn tiếp số thuế trong năm 2012 chứ không chỉ quý II.
Ông Huỳnh Xuân Trung, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc ACB, cho rằng người mua nhà vẫn đang có tâm lý chờ giá nhà và lãi suất giảm hơn nữa. Cùng với tâm lý đề phòng rủi ro, vì sau khi giao tiền, 2 - 3 năm sau mới nhận nhà.... do đó Nhà nước nên áp dụng chính sách không tính thuế VAT trong 1 - 2 năm cho các dự án căn hộ, đặc biệt đối với những đối tượng người thu nhập thấp, người nghèo. Đồng thời rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận sử dụng căn hộ xuống khoảng 6 tháng sau khi bàn giao, thay vì 3 - 4 năm như trước nay.
322/500 sàn giao dịch BĐS đóng cửa
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 322/500 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại thủ đô đóng cửa, không có giao dịch. Thống kê này được tổng hợp từ các sàn giao dịch BĐS chính thống và cơ quan thuế thuộc 29 quận, huyện. Tuy nhiên, trong số này có 122 sàn ngừng hoạt động là những sàn không tìm được địa chỉ, không tồn tại dù đăng ký kinh doanh vẫn còn. Cũng theo Sở Xây dựng, số lượng người muốn giao dịch mua bán BĐS qua sàn tại Hà Nội khá khiêm tốn. Đa số giao dịch qua sàn là sản phẩm của chủ đầu tư dự án thực hiện.
Theo Đất Việt