Cơ hội mua nhà đất?
Các chuyên gia địa ốc dự báo đợt giảm giá nhà đất sẽ khó kéo dài và sắp tới có thể hình thành mặt bằng giá mới tăng 10%-20% so với hiện nay.
Mặc dù các chuyên gia về địa ốc cho rằng giá nhà đất TPHCM hiện có thể đã chạm đáy, tuy nhiên tâm lý người mua vẫn chờ giá giảm thêm khi những thông tin về chuyện các chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn được thông tin dồn dập.
Chia khó với khách hàng
Tình hình thắt chặt tín dụng bất động sản (BĐS), lãi suất cho vay lên hơn 20%/năm đã khiến tình hình mua bán tại các dự án BĐS ngày càng ảm đạm. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, nhiều dự án đã triển khai vẫn phải công bố bán sản phẩm, chủ đầu tư vẫn phải gồng gánh xoay xở vì không thể dừng lại giữa chừng.
Điều mà họ chú trọng chính là dòng tiền thu về. Một số chủ đầu tư phải “cắn răng” cắt giảm lợi nhuận bán với giá gốc, thậm chí lỗ vốn, không những thế còn phải đưa ra nhiều chế độ hậu mãi mong đẩy hàng đi để thu tiền trả lãi vay ngân hàng. Đơn cử ở dự án Happy Plaza, chủ đầu tư dự án này mới đây đã tung ra chương trình chia sẻ lãi vay để “đối phó” với tình trạng thắt chặt tín dụng hiện nay.
Theo đó, người mua dự án Happy Plaza khi vay vốn ngân hàng xong, chuyển hóa đơn chứng từ về cho chủ đầu tư, sẽ được hoàn phần lãi suất phải trả cho đến khi bàn giao nhà. Công ty Thủ Đức House cũng đưa ra chương trình hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng trong 9 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên cho 20 khách hàng đầu tiên trong đợt bán hàng này có nhu cầu vay vốn mua căn hộ TDH - Phước Bình qua ngân hàng.
Giá nhà đất thời điểm này được nhận định là khá hấp dẫn để mua vào. Ảnh: Tấn Thạnh |
Theo thông tin từ nhiều công ty nghiên cứu thị trường BĐS cho biết hiện trên thị trường BĐS TPHCM có đến 60%-70% dự án bị đình trệ, rơi vào trạng thái chờ hoặc dãn tiến độ do thiếu vốn. Phần lớn các chủ đầu tư hiện chú trọng dòng tiền thu về hơn là lợi nhuận, nên mức lợi nhuận đa số chủ đầu tư thu được chỉ vào khoảng 10%.
Một số dự án đang ở giai đoạn đầu như hoàn tất thủ tục pháp lý, đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, thử tải… thì chắc chắn sẽ được hoãn lại để chờ lúc thị trường “ấm” lên rồi mới tiếp tục. Những dự án đã triển khai và thuộc phân khúc giá trung bình thì được thúc đẩy để hoàn thành đúng tiến độ, giao nhà đúng hẹn cho khách hàng. Những dự án thuộc loại cao cấp tiến độ xây dựng sẽ được chia nhỏ, hoàn thành từng khối thay vì nhiều khối một lúc hoặc dãn tiến độ, trên cơ sở thương lượng giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Không thể giảm giá hơn nữa
Mặc dù các chuyên gia về địa ốc cho rằng giá nhà đất hiện nay có thể đã chạm đáy, tuy nhiên tâm lý người mua vẫn chờ giá giảm thêm khi những thông tin về chuyện các chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn. “Nhìn nhận như vậy là không công bằng cho chủ đầu tư…” - ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, nhận định.
Những người mua nhà cần hiểu rằng hiện nay giá vật liệu xây dựng đã tăng từ 25% - 30% so với cuối năm 2010. Điều này khiến giá xây dựng 1m2 căn hộ loại trung bình đã lên đến 8 - 10 triệu đồng, trong khi giá thương mại còn cao hơn vì ngoài giá xây dựng còn quá nhiều chi phí khác như: giá đất, tiền lãi từ lúc mua đất đến khi hoàn thành dự án... cũng tăng cao. Có không ít khách hàng cho rằng nếu khéo léo, chủ đầu tư dự án vẫn có thể giảm được giá thành căn hộ.
Điều này chỉ đúng với những năm trước đây khi giá vật liệu xây dựng vẫn còn thấp. Nếu như trước đây, chủ đầu tư thường cắt giảm, thay thế một số loại vật liệu xây dựng phụ trợ, giảm bớt diện tích công cộng, đầu tư hạ tầng, thay đổi thiết kế để tiết kiệm trong thi công…
Nhưng nay, những loại vật liệu này cũng tăng từ 15% - 20% nên chủ đầu tư không còn cách nào có thể tiết kiệm thêm được nữa. Có thể nói lúc này thị trường đang khó khăn thì tạm thời trong một thời gian ngắn, một số chủ đầu tư phải “cắn răng” chịu đựng. Nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều doanh nghiệp chịu giảm giá như vậy, đến lúc nào đó, chủ đầu tư không chịu nổi buộc họ phải tăng giá bán và khi đó, những người có nhu cầu mua nhà để ở thật khó có thể mua được nhà” - ông Duy cho biết.
Tìm hiểu thực tế trong thời gian gần đây, chúng tôi được biết hiện một số dự án đã có những đợt tăng giá nhẹ 2% – 3%. Theo giới đầu tư BĐS cho biết chính những cơ hội như lúc này giá đang rất tốt để mua nhà. Nếu đợi đến năm sau thì chưa chắc đã mua được nhà với giá như hiện nay. Doanh nghiệp chỉ có thể bán lỗ trong thời gian 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm, để thu hồi vốn, trả lãi vay ngân hàng. Đến một lúc nào đó buộc họ phải tăng giá bán, lúc đó sẽ hình thành một mặt bằng giá mới có thể cao hơn thời điểm hiện nay 10% - 20%.
Cần giải pháp về vốn Giải pháp vốn cho thị trường BĐS nước ta vẫn là một vấn đề của năm 2011. Trong đó, đầu tiên được nhắc đến đó là việc cần thiết phải thành lập quỹ tín thác BĐS tại Việt Nam. Các quỹ ủy thác này được quản lý chuyên nghiệp và là cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ. Các cá nhân có thể đóng tiền vào quỹ dù chỉ với số lượng nhỏ và có được một nguồn thu nhập ổn định thường xuyên từ quỹ vì 90% doanh thu từ các quỹ ủy thác đầu tư BĐS đều chia cho các cổ đông. Quỹ tín thác BĐS được xem là một trong những cách chứng khoán hóa BĐS. Mục đích của quỹ là huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ để đầu tư vào lĩnh vực nhà ở, khắc phục được tình trạng về vốn cho thị trường nhà ở chỉ trông chờ vào ngân hàng như hiện nay. (N.Hoa) |
Theo Người lao động