Cấp phép xây dựng sẽ gặp khó
Thực hiện nghiêm ngặt theo yêu cầu của Nghị định 64/2012, việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân sẽ ách tắc.
“Tôi đọc Nghị định 64 mà băn khoăn quá, không biết làm sao TP thực hiện được đây”. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH&KT TP.HCM, bày tỏ trước quy định mới về cấp phép xây dựng (CPXD) vừa được ban hành.
Bao giờ phủ kín quy hoạch chi tiết?
Ông Toàn cho hay Sở QH&KT đang vô cùng lo lắng về nhiệm vụ đến cuối tháng 9-2013 phải phủ kín quy hoạch phân khu 1/2.000 cho toàn TP. “Quy hoạch 1/2.000 còn chưa hoàn thành, huống gì quy hoạch 1/500 đi vào chi tiết từng thửa đất” - ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, trước nay chỉ có các khu đất làm dự án mới có quy hoạch 1/500 do chủ đầu tư lập. Nếu giao Nhà nước lập và phủ kín quy hoạch 1/500 thì sẽ rất khó khả thi. “Chủ đầu tư các dự án chưa chắc đã thích phương án do Nhà nước lập. Còn những thửa đất riêng lẻ của người dân thì biến động không ngừng (lúc tách thửa lúc nhập thửa, hình dáng mỗi thửa mỗi khác), nhân lực, kinh phí và thời gian đâu để lập quy hoạch chi tiết về tầng cao, khoảng lùi… cho từng thửa đất? Mà nếu lập được quy hoạch 1/500 rồi thì cần gì phải CPXD nữa” - ông Toàn phân tích.
Thời gian xin CPXD sẽ dài thêm khi có yêu cầu thêm bản vẽ kết cấu. Trong ảnh: Làm thủ tục CPXD tại UBND quận Tân Phú. Ảnh: HTD |
Ông Ngô Văn Dũng, cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình, cho biết quận này đã phủ kín quy hoạch 1/2.000 nhưng quy hoạch 1/500 thì “đếm trên đầu ngón tay”. Khu vực đã có thiết kế đô thị (phương án thay thế quy hoạch 1/500 theo Nghị định 64) lại càng khan hiếm. “Để lập quy hoạch 1/2.000 cho một phường phải cần vài tỉ đồng. Quy hoạch 1/500 càng nhiều hơn vì chi tiết hơn, công phu hơn. Để phủ kín quy hoạch này cho 15 phường của quận, không biết sẽ lấy tiền ở đâu ra” - ông nói.
Bản vẽ kết cấu: Gây khó cho cả hai phía
Về yêu cầu hồ sơ xin CPXD phải có thêm bản vẽ kết cấu, ông Toàn cho hay trước đây từng có quy định này, sau đó đã bỏ nhưng giờ lại quay lại. “Bản vẽ kết cấu thể hiện tính bền vững của công trình. Nhưng đây là việc của chủ đầu tư và nhà thầu, nên được thực hiện độc lập với công tác CPXD. Bản vẽ này đi vào chi tiết và mang tính kỹ thuật nên mất nhiều thời gian và chi phí, làm kéo dài thời gian xin CPXD của người dân” - ông Dũng phân tích.
Cũng theo ông Dũng, trường hợp bản vẽ kết cấu bị cơ quan cấp phép yêu cầu chỉnh sửa, người dân lại mất thêm thời gian và chi phí. “Trường hợp không được CPXD, người dân sẽ bị mất trắng khoản tiền lập bản vẽ. Với nhiều người, số tiền này không phải là nhỏ” - ông cho hay.
Còn theo trưởng Phòng Quản lý đô thị của một quận nội thành, hiện nhiều cán bộ thụ lý hồ sơ CPXD không đủ năng lực chuyên môn để thẩm định, kiểm tra, chịu trách nhiệm về sự an toàn của kết cấu. Do đó, việc đưa yêu cầu này vào hồ sơ xin phép xây dựng là gây khó cho cả người dân lẫn cơ quan cấp phép.
Ách tắc vì làm… đúng luật
Nghị định 64 có hiệu lực từ ngày 20-10-2012. Theo nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định 68/2010 của UBND TP về CPXD phải rà soát, đối chiếu những điều khoản không còn phù hợp với nghị định mới để điều chỉnh. Trường hợp không điều chỉnh kịp thì phải áp dụng nghị định mới. Khi đó chắc chắn công tác CPXD sẽ ách tắc trong thời gian không ngắn.
Hiện nay, tâm lý chung của các sở ngành, quận huyện là chờ đợi thông tư hướng dẫn Nghị định 64. “Có thể thông tư mở rộng thời hạn thực hiện, cho phép các tỉnh, thành có quy định riêng phù hợp với thực tế địa phương…” - lãnh đạo một quận bày tỏ.
Tuy nhiên, nếu để phù hợp thực tế mà thông tư hướng dẫn hoặc quyết định của các tỉnh, thành trái với Nghị định 64 thì lại không đúng về pháp luật, chẳng khác nào nghị định bị vô hiệu hóa. Điều đáng nói, những khả năng không hay như trên lẽ ra không thể xảy ra nếu cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định tiếp thu ý kiến của các địa phương.
Lập quy hoạch 1/2.000 chúng tôi đã muốn chết, nói gì đến quy hoạch 1/500. Ngoài ra, toàn quận hiện không có tuyến đường nào có thiết kế đô thị. Lâu nay công tác CPXD của quận rất tốt, tỉ lệ hài lòng của người dân trên 98%. Nếu thực hiện theo Nghị định 64, chắc chắn công tác này sẽ bị chựng lại. Trưởng phòng Quản lý đô thị một quận nội thành TP.HCM Ông Mai Trung Hưng - Trưởng phòng QH&KT, Sở Xây dựng tỉnh BR-VT |
Theo Pháp luật TP HCM