Cần tính toán quy mô và đa dạng hóa cơ cấu nhà ở
(Ảnh minh họa: Đình Na/TTXVN) |
Thời gian qua, tỷ lệ căn hộ có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán phù hợp với người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp chiếm số ít. Vì vậy, nếu không muốn “ế hàng,” các chủ đầu tư cần phải tính toán quy mô và đa dạng hóa cơ cấu nhà ở, nhất là căn hộ chung cư. Việc đa dạng hóa các loại hình nhà ở phải xuất phát từ khâu quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư theo quy hoạch theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cụ thể, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% và hạn chế phát triển nhà ở cao cấp dạng biệt thự, căn hộ có diện tích từ 120m2 trở lên. Tỷ lệ này nên được khống chế để tối đa không vượt quá 20% trong tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới.
Trước mắt, Chính phủ đang tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức chính trị-xã hội tham gia chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp, hộ nghèo nông thôn) để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Song hành với việc này là mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà.
Đồng thời, mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản cũng cần được nghiên cứu thí điểm để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định trong chiến lược nhà ở đã trình Chính phủ, về mặt pháp luật cần phải có một nghị định phát triển nhà ở cho thuê. Hiện người dân chưa mặn mà với loại nhà này, doanh nghiệp càng “ngoảnh mặt làm ngơ” vì sợ “bỏ tiền tỷ, thu tiền xu.” Do đó, Nhà nước cần có định hướng, hỗ trợ nhà cho thuê và huy động nguồn lực hướng vào loại hình nhà ở này.
Theo TTXVN/Vietnam+