Cần sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở
Ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản |
Trong hoàn cảnh vốn vay ngân hàng cho bất động sản bị thắt chặt như hiện nay, cần sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường bất động sản, trong đó cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà.
Đây là khẳng định của ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nhận diện thị trường bất động sản 2011: Cơ hội và rủi ro” tổ chức tại Hà Nội.
Ông Thiện cho rằng, trong bối cảnh giá USD và giá vàng biến động trên thị trường như hiện nay, giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS được thanh toán bằng USD hoặc vàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một số nhà đầu tư có thể tạm dừng các giao dịch hoặc giãn tiến độ đầu tư để đợi giá vàng và giá USD trở lại bình thường. Điều đó có nghĩa là thị trường căn hộ, biệt thự cao cấp sẽ phải nhường cho nhà giá rẻ.
* Thực tế, các căn hộ dành cho người thu nhập thấp hiện cũng có giá tương đối cao so với thu nhập trung bình của người dân, thưa ông?
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp được thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nguồn vốn thực hiện các dự án do chủ đầu tư huy động hoặc được vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi, được bù lãi suất theo quy định; chủ đầu tư dự án được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định như được miễn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, được miễn thuế thu nhập DN...; giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp do chủ đầu tư dự án xây dựng theo nguyên tắc tính đủ chi phí đầu tư và không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, thuê mua...; lợi nhuận được tính không quá 10% chi phí.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm thẩm định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp trên địa bàn. Do vậy, giá bán nhà ở thu nhập thấp không chỉ do nhà đầu tư quy định mà còn phải được xem xét đúng theo giá quy định.
Tôi có thể khẳng định, với sự quan tâm của UBND các tỉnh đối với các dự án nhà thu nhập thấp và người dân thuộc địa bàn quản lý thì giá nhà ở đưa ra là hoàn toàn sát với quy định.
* Nhưng giá nhà dành cho người thu nhập thấp vẫn bị đẩy lên cao bởi tình trạng “mua bán trao tay”?
Tình trạng này không phải không có. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các địa phương cũng đã tích cực tăng cường các giải pháp để ngăn chăn. Chẳng hạn như để ngăn chặn người mua nhà bán trao tay hay cho thuê, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ kiểm tra các căn hộ sau khi bàn giao. Ngoài ra, người mua căn hộ thu nhập thấp dạng trao tay sẽ gặp rủi ro lớn bởi không thể làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu trong 10 năm. Sau khi người mua chuyển đổi căn hộ phải có chứng nhận của UBND phường.
* Thưa ông, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng việc triển khai nhiều dự án trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn. Có thể tháo gỡ “vướng mắc” này như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, cần sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà và mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung vốn cho thị trường bất động sản. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường và phải bổ sung cơ chế khuyến khích phát triển loại hình nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là phát triển nhà ở. Các chính sách tín dụng ngân hàng cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường BĐS, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường.
*Mặc dù Bộ Xây dựng chưa có ý kiến chính thức về vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, nhưng cũng đã đề xuất với Chính phủ. Liệu nhà ở dành cho người thu nhập thấp có nằm trong đề xuất này?
Thời gian qua có rất nhiều thông tin trái chiều về việc sở hữu chung cư có thời hạn. Cũng dễ hiểu bởi nó liên quan đến nhiều người dân và nhiều đối tượng tham gia thị trường BĐS là nhà ở. Trên thực tế nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các hình thức sở hữu nhà, sở hữu đất rất khác nhau để người dân tự lựa chọn cho mình khi tham gia thị trường BĐS về nhà ở, đất ở.
Nhà ở có liên quan rất nhiều đến đất đai và giá trị sử dụng đất trong BĐS nhà ở là rất lớn. Nếu như có nhiều loại hình sở hữu nhà ở khác nhau như sử dụng lâu dài, sử dụng có thời hạn (có thể 99 năm, 70, 50 năm...) thì sẽ tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn theo khả năng tài chính của mình. Theo tôi, nên đa dạng hình thức sở hữu chung cư vì nếu tách giá trị đất ra ở thời gian giới hạn thì chắc chắn giá nhà chung cư sẽ giảm đáng kể theo nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo ước tính tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2 (vốn đầu tư tới 300-400 ngàn tỷ đồng), riêng Hà Nội cần 5.5 triệu m2 (tương đương 110 ngàn căn hộ và 11 ngàn chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp), còn thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 5 triệu m2 và trên 50 ngàn chỗ ở cho công nhân thuê.
Xin cảm ơn ông!
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp