Cân nhắc quyền phân phối nhà thu nhập thấp - Tin thị trường - Bài viết
Tin tức | Kiến trúc thiết kế | Kiến thức tra cứu | Phong thủy | Công ty địa ốc | Thế giới quanh ta | Hỏi chuyên gia

Cân nhắc quyền phân phối nhà thu nhập thấp - Tin thị trường - Bài viết

Cân nhắc quyền phân phối nhà thu nhập thấp

Việc công an Hà Nội vừa phát hiện vụ mua bán nhà dành cho người thu nhập thấp đầu tiên tại khu CT1 - Ngô Thì Nhậm, Q.Hà Đông, khiến dư luận không khỏi lo ngại, đây chưa hẳn là trường hợp duy nhất.

Một số chuyên gia cho rằng, để đảm bảo nhà ở thu nhập thấp đến tay đúng đối tượng, Nhà nước không nên giao việc phân phối cho chủ đầu tư mà cần thành lập ở mỗi địa phương có dự án một cơ quan độc lập, kiểu như hội đồng quản lý nhà. Chừng nào chủ đầu tư vẫn là đơn vị nhận hồ sơ đăng ký và chấm điểm, xét duyệt đối tượng, chừng đó sẽ còn nảy sinh tiêu cực.

Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập quá lớn, trong khi cung thì vô cùng hạn hẹp là điều kiện để nảy sinh tiêu cực. Ảnh: Đức Long


Không đủ điều kiện vẫn được mua

Theo điều tra của công an Hà Nội, căn hộ thu nhập thấp số 1702- CT1 - Ngô Thì Nhậm Q.Hà Đông, Hà Nội có giá gốc 600 triệu đồng, đã được bà Cao Thị Loan, trú tại tổ 38, phường Vĩnh Hưng, Q.Hoàng Mai bán trao tay với giá 1,1 tỷ đồng. Theo cơ quan công an, gia đình bà Loan đang cư trú tại tổ phường Vĩnh Hưng, song giấy xác nhận thực trạng nhà ở lại do UBND phường Cầu Dền, Q.Hai Bà Trưng ký, đóng dấu.

Thực tế, bà Loan đã có một mảnh đất 44m2, nhưng vẫn được mua nhà thu nhập thấp. Đối chiếu với Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dưng, cũng như Quyết định 34 của UBND TP.Hà Nội, bà Loan không đủ điều kiện để được xét duyệt mua nhà dành cho người thu nhập thấp, chưa kể trường hợp này còn bán trao tay ngay khi nhận được nhà.

Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng quy định, người mua nhà không được cho thuê, thế chấp hoặc bán trong thời hạn chưa trả hết tiền mua nhà (trường hợp mua trả chậm, trả dần); chỉ được phép thực hiện các giao dịch sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng phảm đảm bảo tối thiểu 10 năm kể từ khi ký hợp đồng mua nhà. Chính vì vậy, từ trường hợp của bà Loan, dư luận không thể không đặt câu hỏi: liệu còn bao nhiêu trường hợp được xét duyệt ”nhầm” như thế mà chưa bị phát hiện?

Khó tránh “chạy chọt”

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nếu như chủ đầu tư xây nhà để bán ra thị trường, thì đương nhiên họ muốn bán cho ai thì bán. Nhưng đằng này, họ đã nhận rất nhiều khoản hỗ trợ từ Nhà nước như hỗ trợ lãi suất, quỹ đất sạch và nhiều cơ chế ưu đãi khác. Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần khẳng định đảm bảo cơ chế để các doanh nghiệp khi tham gia dự án nhà ở xã hội có lãi 10%. Vì vậy, khi xây xong, quyền phân phối nhà ở thu nhập thấp phải thuộc về Nhà nước chứ không thể  giao cho chủ đầu tư.

“Nếu giao cho họ, chuyện xin- cho, “chạy chọt” để đủ điều kiện là không thể tránh khỏi. Bối cảnh cầu quá lớn mà cung thì vô cùng hạn hẹp là điều kiện để nảy sinh vấn đề này”, TS Liêm nói.

Trong khi đó, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, việc đưa ra cơ chế giao trực tiếp cho chủ đầu tư xét duyệt hồ sơ, sau đó cơ quan quản lý sẽ kiểm tra lại, là khó đảm bảo được công bằng. Theo ông Võ, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đứng ra chứng minh được gia cảnh của người thu nhập thấp? UBND xã - phường hiện chưa có khả năng này nên khó có thể đảm bảo xác minh đúng đối tượng.

Ngoài ra, chủ đầu tư khi tiếp nhận hồ sơ cũng có tâm lý làm cho xong việc, không muốn dây dưa kéo dài nên ai dám đảm bảo rằng không nảy sinh sinh tiêu cực. Về khâu hậu kiểm của cơ quan quản lý, sẽ bắt đầu từ đâu hay cũng chỉ biết dựa trên danh sách đối tượng mà chủ đầu tư đã xét duyệt?

Từ thực tế trên, ông Võ cho rằng, thay vì giao quyền cho chủ đầu tư, chúng ta nên học mô hình mua bán nhà ở xã hội tại những nước Bắc Âu: thành lập hiệp hội người thu nhập thấp để đứng ra quản lý hợp tác xã nhà ở xã hội, với cơ chế bình bầu dân chủ. Chính hiệp hội này sẽ là nơi đề cử danh sách những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội một cách chính xác nhất.

Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối với nhà thu nhập thấp dành để bán, sẽ thực hiện theo hình thức trả tiền 1 lần hoặc trả chậm. Nếu mua trả góp, người mua nhà phải nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở.

Đối với nhà dành cho thuê mua, người thuê mua nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở, thời gian thanh toán số tiền còn lại do hai bên tự thỏa thuận nhưng tối thiểu là 10 năm.

Đối tượng đủ điều kiện mua, thuê mua là phải có thu nhập thấp (theo quy định của địa phương) và chưa có nhà ở (hoặc nhà ở có diện tích không quá 5m2/người).


Theo Đất Việt

Dự án bất động sản nổi bật

Chung cư cao cấp Golden Land Building

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Golden Land Building, Hà Nội do Công ty CP Thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn

Căn hộ cao cấp Kim Tâm Hải

Dự án nằm tại quận 12, TP HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 6 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo

Cao ốc căn hộ Ngọc Lan

Ngọc Lan Apartment tại TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.400 m2 là tòa nhà cao 18 tầng với 275 căn hộ diện tích từ 53

Trung tâm Thương mại Lái Thiêu

Trung tâm thương mại Lái Thiêu tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích hơn 77.700 m2 với vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Công ty địa